Toạ đàm "Xúc tiến thương mại, tạo “đòn bẩy” cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo" diễn ra chiều 24/10 Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu tác động từ 4 làn sóng dịch chuyển |
Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo có sức bứt phá mạnh mẽ
Chiều 24/10, Vuasanca tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Xúc tiến thương mại, tạo “đòn bẩy” cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo".
Đánh giá về tình hình phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời gian qua tại toạ đàm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, hiện nay, ở nước ta, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang chiếm gần 40% tổng doanh thu thuần sản xuất của nền kinh tế.
Các diễn giả tham gia tọa đàm "Xúc tiến thương mại, tạo “đòn bẩy” cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo" |
Trong thời gian qua, có nhiều nhóm ngành có sự phát triển rất nhanh, ví dụ như điện tử, dệt may, da giầy... có giá trị xuất khẩu đứng "top 3-5" trong khu vực và thế giới. Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong ngành đã khẳng định nội lực và uy tín như Thaco, Thành Công, Vinfast...
"Nếu so sánh toàn bộ nền kinh tế, trong ngành công nghiệp nói chung, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng có sức bứt phá mạnh nhất. Mức tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành này cao hơn nhiều tăng trưởng GDP trong 5 năm gần đây" - ông Phong nói.
Hiện có nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam đã nắm bắt cơ hội của chuyển đổi số và áp dụng mô hình nhà máy thông minh trong các lĩnh vực cơ khí chính xác, tự động hóa,… giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận các làn sóng đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng tham gia có hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất khu vực và toàn cầu, liên tục mở rộng thị trường đầu ra và đầu vào cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Chính phủ đã xác định các mục tiêu cụ thể về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 gồm 23 chỉ tiêu; trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt hơn 25%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Những chỉ tiêu này cho thấy, công nghiệp chế biến chế tạo được xác định là một trong những yếu tố tạo động lực tăng trưởng của giai đoạn tới, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ tại tọa đàm |
"Đứng về quy mô, ngành công nghiệp này thu hút trên 7,5 triệu lao động, tạo ra doanh thu mỗi năm hơn 8 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với hoạt động nông nghiệp, bán buôn bán lẻ, hay khoáng sản" - chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho hay.
Doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó về mở rộng thị trường
Dù ngành đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới, song các chuyên gia nhận định, trong những tháng cuối năm 2024, phát triển sản xuất và thương mại còn đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Doanh nghiệp công nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao (đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới).
Đề cập đến những khó khăn hiện nay của doanh nghệp công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng tại tọa đàm, ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối diện hiện nay là các loại chi phí tăng cao.
Cụ thể, về vấn đề chi phí nguyên liệu đầu vào cao do nhiều nguyên nhân như sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài; nhiều doanh nghiệp sản xuất phải nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện từ nước ngoài do thiếu nguồn cung nội địa. Sự phụ thuộc này làm gia tăng chi phí do giá cả nguyên liệu biến động, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu, dịch bệnh và khủng hoảng địa chính trị.
Bên cạnh đó là chi phí vận chuyển, kho bãi và logistics liên quan đến nhập khẩu nguyên liệu tăng cao, nhất là trong giai đoạn giá nhiên liệu tăng và các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Ngoài ra, giá các loại nguyên liệu thô như kim loại, hóa chất, và các sản phẩm nông nghiệp gia tăng do nhu cầu cao từ nhiều quốc gia sản xuất lớn, đặc biệt là Trung Quốc và các thị trường đang phát triển.
Chi phí tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế cao do các thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ, EU, Nhật Bản, yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn lao động, môi trường và trách nhiệm xã hội. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, thiết bị và quy trình kiểm định.
Ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) |
Các quy trình chứng nhận chất lượng quốc tế thường yêu cầu kiểm định từ các tổ chức chuyên nghiệp, kéo theo chi phí không nhỏ cho doanh nghiệp. Đồng thời, chi phí sản xuất tăng cao do các doanh nghiệp phải đầu tư vào trang thiết bị, hệ thống quản lý chất lượng và các hoạt động kiểm tra để đáp ứng các yêu cầu quốc tế.
Đồng thời, giá thành sản phẩm tăng cao và các doanh nghiệp công nghiệp xuất khẩu khó mở rộng quy mô sản xuất hoặc đầu tư vào công nghệ mới dẫn đến chậm trễ trong việc thâm nhập các thị trường mới và đa dạng hóa sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp rất dễ gặp rủi ro bị loại khỏi thị trường do không đáp ứng đủ các yêu cầu khắt khe.
Để gỡ khó cho ngành, thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, theo ông Cường, thời gian qua, Nhà nước đã và đang đưa ra các gói hỗ trợ tài chính hoặc ưu đãi thuế để giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế; Thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng trong nước đạt chuẩn quốc tế để giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp khi phải thực hiện các kiểm định từ nước ngoài; Xây dựng các chương trình đào tạo về quản trị chất lượng và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng quản lý, từ đó giảm thiểu rủi ro không tuân thủ và tiết kiệm chi phí trong dài hạn.
Về phía doanh nghiệp, ông Cường chí khuyến nghị, cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tìm kiếm, phát triển các nguồn nguyên liệu nội địa thay thế, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu; Tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng; Áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, chẳng hạn như sản xuất tinh gọn (lean manufacturing), để giảm thiểu lãng phí nguyên liệu và nâng cao hiệu quả sản xuất;
"Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các thị trường mới với các yêu cầu về tiêu chuẩn dễ đáp ứng hơn; đầu tư vào đổi mới sản phẩm, gia tăng giá trị bằng cách nâng cao chất lượng, tính năng; hợp tác với các doanh nghiệp FDI để tiếp cận nguồn lực và công nghệ tiên tiến" - ông Cường cho hay.
Đặc biệt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp nhấn mạnh, để lấy lại đà tăng trưởng, nhiều ý kiến cũng cho rằng, doanh nghiệp của ngành hiện nay rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện cũng như tiếp sức của Chính phủ, các bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương đối với các doanh nghiệp công nghiệp nhằm tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.