Để tín dụng chính sách là “bạn đồng hành” của đồng bào
Đồng bào dân tộc Jrai làm thủ tục vay vốn tín dụng tại trụ sở UBND xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, Gia Lai |
Những hạn chế cần khắc phục
Phấn khởi với số vốn được vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, nhiều đồng bào vùng Tây Bắc đã bắt tay vào nuôi lợn, nuôi bò, trồng chuối, trồng ngô, cây ăn quả… Hiệu quả tưởng như đã nắm trong tay khi vật nuôi lớn lên từng ngày, cây trồng cũng lên xanh tốt. Vậy nhưng, ông trời không chiều lòng người, chỉ sau một đợt rét đậm, rét hại, mưa tuyết, lũ lụt, sạt lở đất hay một đợt dịch bệnh, tất cả lại trở về con số 0. Lợn, gà chết theo dịch, cây trồng vùi trong đất đá, hiệu quả đồng vốn không như mong đợi.
Lúc này, để khôi phục sản xuất, đồng bào rất cần vốn. Vậy nhưng thực tế, việc điều tra xác định hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách sau thiên tai chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, chưa rà soát, bổ sung kịp thời. Chính vì vậy, nguồn vốn hỗ trợ của tín dụng chính sách không được bố trí cho các đối tượng được thụ hưởng đúng thời điểm cần thiết.
Hay như việc, do không được tuyên truyền thường xuyên, cụ thể, nhiều đồng bào sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích: Cầm tiền vốn về không mua phân bón, con giống mà đi mua gạo, thịt về ăn. Ăn hết cũng là hết vốn. Thậm chí mang tiền về không biết làm gì, gác lên gác bếp đến ngày phải trả thì mang đi trả. Trường hợp khác cũng khá phổ biến đó là, Đảng và Nhà nước hỗ trợ đồng bào tiền để mua giống, phát triển sản xuất, nhưng bộ phận nhận ủy thác vốn làm hướng dẫn chậm nên vào vụ mùa mà bà con vẫn chưa nhận được tiền, lúc được nhận tiền vốn thì thời gian gieo trồng đã qua lâu, dẫn đến nguồn vốn chưa hiệu quả.
Bên cạnh việc nguồn vốn cấp chưa kịp thời, hiện tại nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách còn thấp so với nhu cầu, dẫn đến nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách chưa có cơ hội tiếp cận nguồn vốn.
Huy động vốn kịp thời để đáp ứng nhu cầu
Để tín dụng chính sách tiếp tục là người “bạn đồng hành” của đồng bào, mới đây, Ủy ban Dân tộc đã có những đề xuất cụ thể. Trong đó, mong muốn các bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi các chính sách tín dụng ưu đãi theo hướng giảm số lượng văn bản, tránh trùng lắp về đối tượng, nâng định mức vay cho phù hợp; bố trí và huy động vốn kịp thời để đáp ứng nhu cầu vay; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Quan tâm bố trí ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với các đối tượng chính sách trên địa bàn; Hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các chi nhánh, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội; Thường xuyên củng cố và kiện toàn Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, huyện để Ban này phát huy hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, do đồng bào ở nhiều nơi vẫn chưa có thói quen tính toán, căn cơ trong quá trình sản xuất, nuôi trồng. Chính vì vậy, phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tín dụng chính sách, từng bước tạo dựng thói quen tiết kiệm, ý thức trả nợ của người vay.
Song song với việc thực hiện tốt việc điều tra, xác định đối tượng được vay vốn, cần chỉ đạo phối hợp có hiệu quả giữa vay vốn tín dụng chính sách với đào tạo nghề, khuyến nông, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật..., giúp các đối tượng chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn, phấn đấu huy động vốn kịp thời để đáp ứng nhu cầu cho vay; tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, thu hồi nợ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Đặc biệt, để đồng vốn đến với người dân một cách kịp thời, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội cần tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn vay của đoàn viên, hội viên ở cơ sở.