Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến ngày 30/9, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 12.257 tỷ đồng, tăng 9,06% so với năm 2023.
Trong đó, nguồn vốn tại địa phương ủy thác để cho vay các chương trình tín dụng chính sách là 7.660 tỷ đồng, tăng 16,4% so với đầu năm, chiếm 62,5% tổng nguồn vốn; bao gồm nguồn vốn giải quyết việc làm thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay là 5.436 tỷ đồng, tăng 981 tỷ đồng so với đầu năm.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, doanh số cho vay trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 3.793 tỷ đồng, tăng 1.128 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, với trên 56.100 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Đáng chú ý, đến cuối quý II/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân hoàn thành chỉ tiêu giao vốn đầu tư công của thành phố với số tiền 998 tỷ đồng (hoàn thành 100% kế hoạch) cho 13.658 lượt khách hàng vay vốn thuộc chương trình giảm nghèo bền vững thành phố.
Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, ngân hàng đã giải ngân cho 12.665 lượt khách hàng vay vốn với số tiền 936 tỷ đồng, đạt 100% số vốn phân bổ cho vay giải quyết việc làm.
Đối với chương trình cho vay hỗ trợ giảm nghèo, ngân hàng đã giải ngân cho 993 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền 62 tỷ đồng, hoàn thành 100% số vốn phân bổ cho vay.
Ngân hàng Chính sách xã hội quận 12 giải ngân cho người dân vay vốn ưu đãi hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. Ảnh: Đông Sơn |
Cũng trong 9 tháng đầu năm, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh cho hơn 7.400 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo của thành phố; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 44.000 lao động; giúp hơn 1.500 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh được vay vốn học tập; giúp trên 5.800 hộ vay vay vốn cải tạo và xây dựng mới hơn 11.700 công trình nước sạch và vệ sinh trên địa bàn 5 huyện ngoại thành của thành phố; hỗ trợ cho 50 người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để làm ăn, tái hoà nhập với cộng đồng
Dù đạt được kết quả tích cực, song Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hồ Chí Minh cũng gặp phải một số khó khăn và đã báo cáo, tham mưu UBND thành phố hướng xử lý đối với các khoản nợ được nhận bàn giao nguyên trạng từ Quỹ xoá đói giảm nghèo trước đây hoặc Quỹ 34 đã được kéo dài thời gian trả nợ hoặc khoanh nợ do sản xuất kinh doanh thua lỗ, bỏ đi khỏi địa phương… nay đã hết thời gian khoanh nợ (kéo dài thời gian trả nợ) phải chuyển sang nợ quá hạn nhưng không đủ điều kiện để xem xét xử lý nợ bị rủi ro theo quy định; nguồn vốn từ ngân sách thành phố chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn thành phố từ nay đến cuối năm 2024 (khoảng 2,4 tỷ đồng).
Trong 3 tháng cuối năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, sẽ phối hợp các Sở, ngành, đơn vị liên quan báo cáo, tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh trình HĐND thành phố ghi dự toán bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết quyết làm năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, tham mưu cho UBND thành phố trình HĐND thành phố bổ sung thêm đối tượng được vay vốn từ chương trình cho vay hỗ trợ giảm nghèo của thành phố.
Cũng đó, Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt công tác giải ngân nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo, cho vay giải quyết việc làm (từ nguồn vốn uỷ thác địa phương thu hồi được trong năm 2024, hiện đang giải ngân), cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao năm 2024, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động trên địa bàn thành phố…