Theo đó, tại Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 Thông tư 16/2019/TT-NHNN (Thông tư 16) quy định đối tượng áp dụng gồm: Ngân hàng Nhà nước; Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty tài chính tổng hợp, Công ty tài chính chuyên ngành, Ngân hàng hợp tác xã, Ngân hàng chính sách; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
So với Thông tư 16, Dự thảo bổ sung đối tượng công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành. Bởi tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đang không đề cập đến công ty tài chính. Trong khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 bổ sung quy định về công ty tài chính tổng hợp và công ty tài chính chuyên ngành tại Khoản 12, 13 Điều 4 như sau: “12. Công ty tài chính chuyên ngành là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng có hoạt động chính thuộc một trong các lĩnh vực bao gồm: Thanh toán, tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính theo quy định của Luật này; 13. Công ty tài chính tổng hợp là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện các hoạt động theo quy định tại Mục 3 Chương V của Luật này.”
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng cho phép công ty tài chính tổng hợp và công ty tài chính chuyên ngành được mua, bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước |
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng cho phép công ty tài chính tổng hợp và công ty tài chính chuyên ngành được mua, bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể: Điểm b, Khoản 1, Điều 119 quy định các hoạt động kinh doanh khác của công ty tài chính tổng hợp: Mua, bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước...; Điểm c, Khoản 1, Điều 124 quy định các hoạt động kinh doanh khác của công ty tài chính chuyên ngành: Mua, bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước…
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước linh hoạt sử dụng công cụ tín phiếu để can thiệp thị trường khi cần thiết. Cụ thể, gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục phát hành tín phiếu để nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND và tăng lãi suất liên ngân hàng thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất VND với USD qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá.