CôngThương - Văn bản đề xuất các giải pháp kiềm chế nhập siêu của Bộ Công Thương đã được gửi tới các đơn vị chức năng. Theo đó, cơ quan này đề nghị Quốc hội điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô dưới 9 chỗ ngồi lên mức cao hơn, từ năm 2012.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị tăng phí trước bạ lên mức 20% đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM nhằm hạn chế xe cá nhân. Hai địa phương này đang là nơi tập trung mật độ giao thông cao nhất cả nước.
Hiện, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dưới 6 chỗ ngồi có 3 mức 45%, 50% và 60%, căn cứ vào dung tích xi lanh của máy. Đối với ôtô loại 6-9 chỗ, thuế suất áp dụng 45%-60%, tùy loại.
Còn phí trước bạ áp dụng đối với Hà Nội là 12%, còn TP HCM 10%.
Góp ý với đề xuất của Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế cho rằng việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô được thực hiện theo lộ trình của Luật Quốc hội. Bộ Tài chính cũng đang xây dựng phương án sửa đổi bổ sung Luật trên cơ sở lộ trình đã được thông qua.
Riêng đối với phí trước bạ, cả Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đều nhất trí với đề nghị áp mức cao nhất với Hà Nội, TP HCM là 20%. Lý do là, hai thành phố này đang có mật độ xe cao và tình trạng ùn tắc giao thông cũng ngày càng gia tăng.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng quyết định tăng trần phí trước bạ đối với mặt hàng ôtô từ 15% lên mức 20%. Căn cứ vào khung phí này, các tỉnh thành trong cả nước sẽ ban hành mức cụ thể phù hợp với địa phương mình. Tuy nhiên, chưa địa phương nào đưa ra quyết định tăng phí trước bạ theo mức trần đã được phép.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện nay, nguồn thu từ lệ phí trước bạ trung bình vào khoảng 7.000 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 2,5% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Trong đó, năm 2006, số thu là 3.363 tỷ đồng, năm 2007 là 5.636 tỷ đồng, năm 2008 đạt 7.363 tỷ đồng, năm 2009, tổng số thu khoảng 7.565 tỷ đồng. Còn năm 2010, số thu lệ phí trước bạ là 9.209 tỷ đồng.