Đề xuất xây nhà ở xã hội từ nguồn đầu tư công
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tham gia thảo luận tại hội trường về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thay mặt tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu Nguyễn Đình Khang bày tỏ sự đồng tình cao với cách tiếp cận, phương pháp cân đối, khoa học, khả thi của Chính phủ. Đồng thời đề nghị bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân vào danh mục đầu tư công.
Dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại TP. Cần Thơ |
Theo đại biểu Nguyễn Đình Khang, một trong những vấn đề bức xúc hàng đầu hiện nay của CNLĐ là vấn đề nhà ở. Thực tế triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, bức xúc này càng lộ rõ. “Hàng triệu công nhân từ Bắc đến Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ do người dân xây dựng tự phát, chật chội, ẩm thấp, thiếu tiện nghi tối thiểu, giá thuê cao. Điển hình có những địa phương tại một thôn ở gần KCN chỉ có hơn 1.000 dân, nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 CNLĐ. Điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự tại địa phương” - ông Nguyễn Đình Khang chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Đình Khang khẳng định, mặc dù những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân. Điển hình là việc Chính phủ ban hành các Nghị định số 99 và 100 năm 2015 và đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49 ngày 1/4/2021 nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội nhưng các chính sách này tới nay có lẽ chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư. Vì vậy, việc xây nhà ở cho công nhân vẫn là vấn đề bức thiết.
Cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha). Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước mới có 2.580.000 m2, đủ bố trí cho khoảng hơn 330.000 người lao động. |
Cũng theo đại biểu Nguyễn Đình Khang từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TƯ ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 16 ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ đều đề cập và nhấn mạnh ưu tiên xây dựng nhà ở cho công nhân. “Để hiện thực hóa chủ trương tốt đẹp, nhân văn này, Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện. Đồng thời, cũng cần bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để làm “vốn mồi”, vì chúng ta không thể khoán trắng cho các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước’’ - đại biểu Nguyễn Đình Khang đề xuất.
Từ thực tế cấp bách về vấn đề nhà ở cho công nhân, đại biểu Nguyễn Đình Khang trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn một gói để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.