CôngThương - Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa đưa ra con số kim ngạch xuất khẩu quý 1, đạt 2.795 triệu đôla Mỹ, tăng 28% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng trưởng kim ngạch không đồng nghĩa với tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Xuất khẩu được, lợi nhuận… âm
Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch Vitas nói, hầu như tất cả doanh nghiệp dệt may đang trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Hợp đồng đã ký càng nhiều, tiến độ giao hàng tốt nhưng nghịch lý lợi nhuận càng bị giảm, và có nguy cơ lỗ nặng cận kề khi giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng và chưa hề có dấu hiệu dừng hay chậm lại. Ông Hồng gọi tình trạng này là “đợt sóng thần” bất ngờ.
Khảo sát thị trường cho thấy, vải kateford hồi cuối năm 2010 khoảng 32.000 đồng/m, hiện nay là 75.000 đồng/m, tăng 134%, vải cotton từ 16.000 đồng lên 40.000 đồng/m, tăng 150%... Tuy nhiên, theo ông Hồng, việc tăng giá sản phẩm chỉ được khách hàng chấp nhận ở mức tối đa 15%, trong khi cộng các chi phí đầu vào như lãi suất, điện nước, xăng dầu, chi phí đã tăng hơn 22%, chưa kể lương công nhân phải tăng bình quân từ 3,5 triệu đồng/tháng lên 4 triệu đồng/tháng (14%) nên lợi nhuận giảm, thậm chí âm là không thể tránh khỏi.
Ngành thuỷ sản, quý 1 đã xuất hơn 1,1 tỉ USD, tăng tới 30%, theo số liệu của bộ Công thương. Thế nhưng, như lời ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang (Agifish): may lắm là hoà vốn, còn thì thua lỗ nặng nề.
“Nếu tăng lương để đảm bảo đời sống công nhân và giá nguyên liệu chỉ tăng thêm 5% nữa thì sản xuất chỉ hoà vốn hoặc lỗ 1 – 2%”. Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Vitas |
Dự đoán tăng các khoản chi phí đầu vào dành cho hợp đồng ký trước cuối năm ngoái thấp hơn nhiều so với mức tăng thực tế. Chẳng hạn, tháng 9.2010, giá nguyên liệu cá tra 15.600 – 16.000 đồng/kg, cộng thêm 30 cent (6.300 đồng) cho mức tăng chi phí dự báo hết quý 1/2011 thì bán 2,8 – 2,9 USD là có lời. Nhưng, ngay từ đầu năm nay, giá cá liên tục tăng, đến nay là 27.000 – 28.000 đồng, tăng 70 – 80%. Nghĩa là giá xuất phải đạt tối đa 3,35 – 3,4 USD/kg mới có lời…
Ngày càng khó
Ba tháng đầu năm nay, theo thông tin từ doanh nghiệp, dù sao hợp đồng xuất khẩu cũng được chuẩn bị nguyên liệu với mức giá thấp từ cuối năm ngoái. Thậm chí, có lô hàng còn sản xuất từ quý 4 năm ngoái với chi phí đầu vào thấp, nên phần thua lỗ chỉ là những khoản chi phí tăng ngoài kế hoạch như cước vận chuyển, điện, nước… Tuy nhiên, từ tháng 4 này trở đi, nhiều doanh nghiệp cho rằng, tình hình kinh doanh sẽ khó khăn hơn.
Ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản và thương mại Thuận Phước, Đà Nẵng nói, mặc dù thị trường xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đi Nhật, châu Âu, Mỹ đang tốt, nhưng nguyên liệu trong nước không chỉ thiếu trầm trọng mà còn tăng giá khủng khiếp. Cuối năm ngoái, tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg đứng giá 47.000 – 48.000 đồng, nhưng các tháng đầu năm nay giá lên 80.000 đồng mà không có để mua.
“Quý 1 năm nay, chúng tôi làm được 14 triệu USD nhưng không lãi đồng nào. Tuần đầu tháng 4 này lại phải cho 1/3 công nhân nghỉ phép do không đủ nguyên liệu”, ông Lĩnh than. Theo ông, cái khó nhất của doanh nghiệp hiện nay là vừa chịu áp lực chi phí tăng 14 – 15%, vừa phải chạy vạy tìm kiếm nguyên liệu giá cao, nhưng nhà nhập khẩu lại không chấp nhận giá sản phẩm tăng tuỳ tiện.
Ông Phạm Xuân Hồng cho biết, ở công ty ông, công ty vẫn còn lãi khoảng hơn 5%. Nhưng nếu tăng lương để đảm bảo đời sống công nhân và giá nguyên liệu chỉ nhích thêm 5% nữa thì sản xuất huề vốn hoặc lỗ khoảng 1 – 2%.
Ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cũng nhận định, từ quý 2 trở đi, nguồn cung nguyên liệu thuỷ sản sẽ thiếu hụt nghiêm trọng. Theo ông, mặt bằng giá cao đúng ra sẽ kích thích nuôi trồng, nhưng do những rào cản lãi suất vay cao, giá thức ăn, xăng dầu đều tăng khiến nông dân không mạo hiểm đầu tư. Do vậy, dự báo, ngoài cá tra thiếu hụt 50% sản lượng thì sản lượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng sẽ không mấy lạc quan.