Đi tàu hỏa ở Nhật Bản- An toàn và tiết kiệm
- Vào thời Minh Trị (1868- 1912), các kỹ thuật gia Anh, Mỹ, Đức được mời đến Nhật Bản để dạy cách đặt và vận hành đường sắt. Người Nhật Bản từ những năm đầu thế kỷ 20 đã biết áp dụng và phát triển hệ thống đường sắt trong cả nước, từ đó phát triển công nghiệp hóa nước Nhật. Ngành đường sắt Nhật Bản được cả thế giới ngưỡng mộ về khả năng quản lý và kỹ thuật cao cấp của họ.
Theo thống kê, mỗi năm đường sắt Nhật Bản chuyên chở 22,65 tỷ lượt hành khách, bình quân mỗi người Nhật đi 200 chuyến tàu mỗi năm. Gần 60% lượng hành khách đường sắt là di chuyển gần hoặc trong phạm vi trung tâm những đô thị lớn. Có thể nói, nếu không có tàu chở khách đi làm sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các đô thị.
Nhật Bản có một hệ thống đường sắt chằng chịt khoảng 27 nghìn km; gần 20 nghìn km trong hệ thống này trước thuộc Đường sắt quốc doanh Nhật Bản (nhóm JR). Đường sắt Nhật Bản hiện nay nối liền các đảo chính: Honshu, Hôkaiđô, Shikôku và Kyushi.
Nòng cốt của hệ thống đường sắt JR là những tàu viễn hành cao tốc Shinkansen chạy trên 5 tuyến chính và 2 tuyến nhánh, có chiều rộng đường tiêu chuẩn quốc tế 1435 mm. Tàu Nôzômi là loại tàu chạy nhanh nhất, đạt tốc độ tới 300km/h. Tàu Yamabikô thuộc tuyến Tôhôku có thể đạt đến 275km/h. Các tuyến JR khác chỉ rộng 1067 mm truyền thống.
Ngày nay, trên thế giới, máy bay và ô tô đang cạnh tranh hành khách của đường sắt. Tuy vậy, đường sắt vẫn có cách khai thác những ưu thế của riêng mình. Đó là khai thác tàu cao tốc trên những đoạn đường tầm trung. Kiểu tàu Nô-zô-mi chạy trên 1069 km tuyến giữa Tokyo và Hakata chri trong vòng 4h49’. Tàu Asama chạy từ Tokyo đến Nagano chỉ mất 1h19’ mà trước đây phải mất 3h. Tàu siêu dẫn MAGLEV dùng nguyên lý sức đẩy từ tính không chạm đường ray cho tàu chạy thật êm với tốc độ cao, có thể chạy tuyến Tokyo Osaka xuyên qua những vùng đồi núi của miền Trung Nhật Bản dài 552 km, không kém tốc độ máy bay đường ngắn.
Tàu đường sắt Nhật Bản chạy đúng giờ và an toàn. Ở các trung tâm đô thị, vào giờ cao điểm thì trên 1 tuyến cứ 2 đến 3 phút lại có một chuyến khởi hành. Người Nhật thường nói vui rằng “Tàu đường sắt Nhật Bản có được nhiều khách là nhờ khai thác được “tứ khoái” của mọi người, đó là: An toàn- đúng giờ- sướng mắt và sướng miệng”. An toàn và đúng giờ thì chính xác, còn sướng mắt thì bạn phải đi thêm vài lần nữa. Ngồi trên tàu, bạn có thể thưởng thức cảnh đồng quê tươi đẹp, phong cảnh thay đổi khi đi từ bờ biển đến hẻm núi rồi qua đèo…Cũng có thể nhìn thấy những khoang thuyền dân chài, vườn nhà các gia đình nông dân trong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Đặc biệt là mỗi mùa ở Nhật Bản đều có những đặc trưng rất riêng, xuân sang có hoa anh đào hồng hoạc trắng, đầu hạ là những cánh đồng cải đầy hoa vàng rực rõ rồi những cánh rừng lá đỏ mùa thu hay tuyết trắng mùa đông…Đặc biệt khi rời Tokyo để đi Shin Osaka, núi Phú Sĩ hiện ra sẽ làm bạn sững sờ. Mỗi vùng mỗi khác, dù bạn đi trên tuyến tàu nào cũng đem đến những phong cảnh no mắt.
Thỏa điều thứ tư là Êkiben. Đây là những hộp cơm với hương vị độc đáo nhất Nhật Bản có bán tại các ga JR và nhiều ga nhỏ khác. Một trong những thú vị khi đi tàu đường sắt vừa được nhâm nhi cơm ngon, vừa được ngắm phong cảnh trôi qua hai bên đường. Với hệ thống đường sắt vươn tới mọi miền trên đất nước Nhật Bản, vì thế có rất nhiều loại êkiben giúp chúng ta có thể thưởng thức nhiều đặc sản địa phương, góp phần tăng thú vị cho những chuyến đi xa.
Việc nhiều ô tô làm gia tăng khí thải, gây ô nhiễm không khí và làm trái đất nóng lên, thêm vào đó, trữ lượng nhiên liệu hóa thạch và dầu khí của trái đất cũng đang cạn dần, tàu điện vừa có lợi cho con người, vừa góp phần làm sạch môi trường. Để giải quyết bài toán giao thông, chắc chắn chúng ta cần phải xây dựng nhiều đường sắt hơn nữa, mà Nhật Bản không phải là ngoại lệ.
Tạ Đức Minh
Tùy viên Thương mại tại Nhật Bản