Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn Cần có “sân chơi” riêng để thu hút sinh viên giỏi ngành công nghiệp bán dẫn |
Điển hình trong đó phải kể đến tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, tại các khu công nghiệp của Bắc Giang có 3 doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trong đó có 2 doanh nghiệp của Hàn Quốc, 1 doanh nghiệp của Pháp. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp này hiện là 8.074 người.
Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, với doanh nghiệp sản xuất chip bán dẫn của Hàn Quốc đóng trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ lao động phổ thông thấp hơn, khoảng 50-60%, còn lại 15% có trình độ đại học, 25% có trình độ cao đẳng.
“Để đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất ngày càng mở rộng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết đón làn sóng đầu tư mới trong ngành công nghiệp bán dẫn, chúng tôi đã chỉ đạo Trường Cao đẳng công nghệ Việt triển khai dự án do Hàn Quốc tài trợ qua ODA, phối hợp chặt chẽ với công ty sản xuất chip bán dẫn của Hàn Quốc hoạt động trên địa bàn tỉnh để đào tạo nhân lực, phục vụ cho ngành bán dẫn”, ông Mai Sơn thông tin.
Cách thức phối hợp đào tạo là công ty cử kỹ sư cùng xây dựng và thiết kế chương trình giảng, sau đó cùng giảng dạy với giảng viên của trường. Công ty cũng hỗ trợ một số máy móc thông thường và thiết kế, bố trí máy móc của nhà trường đang có để thiết kế thành quy trình giảng dạy mô phỏng quy trình sản xuất bán dẫn như trong nhà máy; hỗ trợ đưa sinh viên của trường tới thực tập tại công ty.
Được sự đồng ý của Thủ tướng, tỉnh Bắc Giang đã triển khai 2 đoàn công tác đi Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), gặp gỡ các nhóm và có những trao đổi, ký kết để hỗ trợ Bắc Giang trong đào tạo ngành bán dẫn.
Trước mắt, đối tác cam kết giảng dạy cho giảng viên các trường ở Bắc Giang, đồng thời cũng đang tuyển sinh 30-40 học sinh tốt nghiệp lớp 12 và có điểm trung bình môn từ 7,0 trở lên để đi học tại Đài Loan, miễn phí hoàn toàn 2 năm đầu, năm thứ 3 và 4 đi làm, thực tập trong nhà máy và có lương trang trải cuộc sống.
Tỉnh Bắc Giang cũng phối hợp với Trường Minh Tân của Đài Loan đưa 15-20 sinh viên tốt nghiệp Trường Cao đẳng công nghệ Việt Hàn sang đó đào tạo và cũng miễn phí chi phí đào tạo.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phê duyệt đề án triển khai đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số của Bắc Giang; miễn phí 100% cho tất cả cán bộ viên chức của tỉnh học thạc sĩ về công nghệ thông tin, miễn phí 100% cho những ai học những ngành gần công nghệ thông tin.
“Chúng tôi cũng ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi Robocon tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất để học sinh, sinh viên Bắc Giang đam mê học stem hướng tới học ngành kỹ thuật nhiều hơn. Chúng tôi đang tuyên truyền vận động để học sinh học stem nhiều hơn và có đam mê học các ngành gần và đúng với ngành công nghệ thông tin, bán dẫn”, ông Mai Sơn cho biết thêm.
Giai đoạn 2024-2030, tỉnh Bắc Giang xác định tập trung cao nhân lực đáp ứng phân đoạn kiểm thử và đóng gói. Theo đó, sẽ tiếp tục hợp tác với các trường đại học, doanh nghiệp bán dẫn trên địa bàn để đào tạo nhân lực. Điều này rất quan trọng, vì để đào tạo nhân lực bán dẫn thì phải phối hợp được với doanh nghiệp đang làm bán dẫn vì họ có điều kiện, kinh nghiệm, máy móc, thiết bị để sinh viên thực tập.
Cũng như Bắc Giang, TP. Đà Nẵng đã chủ động thành lập các đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư về lĩnh vực bán dẫn ở nhiều nước trên thế giới. Theo ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng: Hiện nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có một số doanh nghiệp ngành bán dẫn đang hoạt động với khoảng trên 700 kỹ sư.
Về đào tạo nguồn nhân lực, thành phố có 17 cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin; 13 cơ sở đào tạo điện tử viễn thông, tự động hóa, cơ điện tử. Trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh ngành công nghệ thông tin khoảng 4.500 sinh viên/năm và điện tử viễn thông khoảng 700 sinh viên/năm. Đây là nguồn nhân lực quan trọng để đào tạo nâng cao chuyển đổi sang ngành bán dẫn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về ưu tiên, tập trung phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, TP. Đà Nẵng đã chủ động thành lập các đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư về lĩnh vực bán dẫn ở Hoa Kỳ, Đài Loan và làm việc trực tiếp với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu thế giới về bán dẫn. Thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất Khu công viên phần mềm số 2 sau khi Chính phủ có Nghị định số 09/2024 cho phép đầu tư và khai thác sử dụng Khu công viên phần mềm này để thu hút các doanh nghiệp hàng đầu về bán dẫn. Bên cạnh đó, thành phố đã chủ động làm việc với các cơ sở đào tạo trên địa bàn cũng như cơ sở đào tạo của Hoa Kỳ, Đài Loan… để xây dựng chương trình đào tạo về bán dẫn cho đội ngũ giảng viên các trường đại học trên địa bàn cũng như đào tạo nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp bán dẫn.
Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn và Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" khi được ban hành, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu trên thế giới để đầu tư vào lĩnh vực thiết kế chíp bán dẫn tại Khu công viên phần mềm số 2 và đầu tư vào lĩnh vực kiểm thử đóng gói tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng; hỗ trợ tạo điều kiện về cơ sở vật chất để hình thành các trung tâm bán dẫn từ nguồn vốn đầu tư công của trung ương hoặc là của doanh nghiệp bán dẫn.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng chủ động làm việc với doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… để nắm bắt nhu cầu và phối hợp với cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố cũng như các trường đại học quốc tế để thiết kế chương trình đào tạo thực hành bán dẫn phù hợp; bố trí ngân sách thành phố để hỗ trợ chương trình đào tạo, trao đổi giảng viên đại học, đào tạo nâng cao chuyển đổi bán dẫn, hỗ trợ đào tạo nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp, thu hút chuyên gia nhà khoa học là những Việt kiều về làm việc tại các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, hồ sơ xây dựng Nghị quyết đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng trong đó có chính sách ưu tiên phát triển bán dẫn đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, vì vậy nhân Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ủng hộ thông qua và sớm trình Nghị quyết này để Đà Nẵng có cơ sở phát triển lĩnh vực bán dẫn, góp phần thực hiện thành công đề án.