Quảng Ninh: Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh: Khai mạc Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024 Quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Quảng Ninh đến người tiêu dùng Hà Nội |
Quảng bá hiệu quả, tạo lực đẩy cho doanh nghiệp
Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử. Ngày từ năm 2009, Quảng Ninh đã đưa vào hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử //teqni.gov.vn hướng tới giới thiệu các nông, đặc sản địa phương. Năm 2016, sàn tiếp tục được nâng cấp tiệm cận với các sàn giao dịch hiện đại.
Tháng 5/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển Công Thương Quảng Ninh đã đưa vận hành sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh (//ocopquangninh.com.vn) với loạt tính năng, tiện ích mới như tích hợp thanh toán trực tuyến, công nghệ bảo mật tốt, dễ sử dụng, dễ nhìn, đăng ký bằng nhiều hình thức zalo, facebook...
Riêng sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh tại địa chỉ "//ocopquangninh.com.vn/" hiện giới thiệu 393/393 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sử dụng, như: Miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ, nước mắm Vân Đồn, nông sản Đông Triều, hải sản Cô Tô, gà Tiên Yên, trứng vịt biển Đồng Rui…
Người dân có thể đặt hàng các sản phẩm OCOP Quảng Ninh mọi lúc, mọi nơi tại sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh (//ocopquangninh.com.vn). Ảnh: Tiến Dũng |
Thông qua việc đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử đã tạo điều kiện cho người nông dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm của mình. Đây cũng là hoạt động giúp cho người tiêu dùng đến nhiều các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Quảng Ninh nhiều hơn.
Sản phẩm OCOP Trà hoa vàng của Công ty CP kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ), là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, thời gian qua bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, công ty đã đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến sản phẩm trà hoa vàng qua các kênh bán hàng trực tuyến, nhờ đó công ty đã mở rộng thị trường tiêu thụ, không chỉ trong toàn tỉnh và trong nước mà sản phẩm trà hoa vàng của công ty đã vươn ra thị trường nước ngoài.
Anh Nịnh Văn Trắng - Giám đốc Công ty CP kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh cho biết, được sự tư vấn, hướng dẫn của các phòng, ban của huyện Ba Chẽ, Công ty đã đưa các sản phẩm trà hoa vàng lên các sàn thương mại điện tử ocop.com.vn, Shopee, Lazada, Voso… Nhờ đó, khách hàng biết đến nhiều hơn, lượng tiêu thụ ngày càng tăng. Hiện sản lượng tiêu thụ mỗi năm của công ty đạt 200kg hoa khô, 500kg lá khô; doanh thu 3-4 tỷ đồng.
Hiện nay, cùng với việc bán hàng trực tiếp, hoạt động livestream quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh cũng đang dần sôi động hơn. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động trong việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và livestream sản phẩm trên các kênh bán hàng.
Điển hình như: Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh, Sở Công Thương tổ chức Tuần hàng Việt tại TP. Uông Bí gắn với tổ chức hoạt động livestream quảng bá trực tuyến sản phẩm vải chín sớm Phương Nam trên Fanpage Trung tâm từ ngày 23-26/5/2024; hoạt động livestream ghi nhận 128.000 lượt xem, lượt tương tác 1.200 lượt.
Cũng trong tháng 8/2024, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương tiếp tục tổ chức Tuần hàng Việt tại thị xã Đông Triều gắn với tổ chức hoạt động livestream quảng bá trực tuyến sản phẩm Na Đông Triều trên internet, bước đầu đã tạo được hiệu ứng lan tỏa và thu hút được nhiều lượt xem, đặt hàng.
Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, xác định thương mại điện tử là xu hướng tiêu dùng sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tiếp theo, các cơ quan quản lý của tỉnh Quảng Ninh cũng đã đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân, người sản xuất, chế biến, tiêu dùng tham gia các nền tảng, từ nội địa tới thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong 2 năm qua, tỉnh tổ chức trên 30 chương trình tập huấn, lớp đào tạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử nhằm phát triển hoạt động kinh doanh. Cuối năm 2023, sàn thương mại điện tử OCOP tỉnh Quảng Ninh cũng được nâng cấp với nhiều tính năng hiệu quả hơn.
Hoạt động livestream tại Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh 2024. Ảnh: T. Dũng |
Để thúc đẩy thương mại điện tử tại Quảng Ninh phát triển, hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử với nhiều giải pháp.
Đặc biệt, nhằm thích ứng tốt với xu hướng Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh thành sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh.
Bên cạnh việc hỗ trợ các thương nhân, tổ chức, cá nhân giới thiệu, mua bán sản phẩm OCOP Quảng Ninh trên sàn, sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh cũng là kênh cung cấp sản phẩm OCOP chính hãng cho khách hàng.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, theo bà Hiền, Quảng Ninh rất cần sự kết nối, hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử lớn trên cả nước.
Về phía sàn thương mại điện tử Lazada cho biết, sẽ tiếp tục hợp tác tích cực cùng các cơ quan, ban ngành, địa phương và các Hiệp hội nhằm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số và kinh doanh online thành công.
Hiện nay các sản phẩm OCOP các mẫu mã ngày càng được đầu tư bài bản, bắt mắt. Bên cạnh đó nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh OCOP trên địa bàn tỉnh đang từng bước thay đổi thói quen, tư duy kinh doanh theo hướng số hóa. Chính vì thế nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sự đột phá, để Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thành mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số đạt 30% GRDP của tỉnh.