Địa phương, doanh nghiệp kỳ vọng sự đột phá phát triển liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng
Đó là kỳ vọng của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và nhiều địa phương tại hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp” vừa được Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Thái Bìnhphối hợp tổ chức tại tỉnh Thái Bình, ngày 30/3/2023.
Hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp” diễn ra ngày 30/3 |
Đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển đầu tư, thương mại
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho hay, hội thảo phát triển đầu tư thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng là một trong những chủ đề được các đồng chí lãnh đạo từ Chính phủ, Bộ, ngành trung ương và các địa phương rất quan tâm, nhất là các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Vùng đồng bằng sông Hồng là một vùng kinh tế trọng điểm với tam giác tăng trưởng kinh tế là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, là vùng động lực phát triển rất mạnh của đất nước. Tuy nhiên, đối với tỉnh Thái Bình là một tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chưa tương xứng với khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Thông qua Hội thảo này, với sự trao đổi thẳng thắn và xây dựng, tỉnh Thái Bình nhận thấy rằng: Trước hết cần đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, cần phải có sự vào cuộc và hành động của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân; tranh thủ sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế đặc biệt về hạ tầng để đẩy mạnh thông thương, tiêu thụ hàng hóa của tỉnh.
Bên cạnh đó, thường xuyên, tập trung làm tốt công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính tạo động lực cho cải thiện môi trường đầu tư, kinh đoanh; Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào đầu tư kết cấu hạ tầng; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách nhằm huy động và khai thác các nguồn lực...
Ngoài ra, hoạt động xúc tiến đầu tư phải đi đôi với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, tạo niềm tin và cải thiện môi trường đầu tư.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại hội thảo |
"Trên cơ sở những kết quả đạt được, đúc rút những bài học kinh nghiệm qua quá trình tổ chức triển khai thực hiện và những phân tích đánh giá, đặc biệt là tiếp thu những ý kiến quý báu của các quý vị tham gia tại hội thảo, trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, tỉnh Thái Bình sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, phát triển vùng mang tính đột phá; phát triển các cụm liên kết ngành; Hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao. Thúc đẩy phát triển các vành đai công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành và khu công nghiệp chuyên biệt" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình bày tỏ.
Cũng theo Sở Công Thương Thái Bình, Hội thảo còn là cơ hội lớn để quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các địa phương. Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết, với các hoạt động kết nối cung cầu và tổ chức các buổi hội thảo như “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp” đã tạo cơ hội để thương mại, dịch vụ của Thái Bình tiếp tục phát triển.
"Qua hội thảo này, tôi tin tưởng rằng công tác kết nối cung cầu sẽ tiếp tục đẩy mạnh. Sau các hội thảo, Sở Công Thương sẽ cùng các sở, ban ngành tiếp tục nắm bắt, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục làm việc với các nhà phân phối, doanh nghiệp đầu mối, sàn thương mại điện tử, triển khai các biên bản hợp tác đã ký kết, liên kết đăng tải quảng bá sản phẩm trên các trang thông tin, website, sàn thương mại điện tử trên cả nước" - ông Quân kỳ vọng.
Đặc biệt, theo ông Quân, qua các cuộc hội thảo phát triển liên kết vùng sẽ là cơ hội lớn cho tỉnh Thái Bình trong việc tạo mối liên kết cung cầu để sản phẩm của Thái Bình có thể vươn xa trong và ngoài nước. Việc liên kết vùng là xu thế tất yếu bởi nếu không nằm trong một tổng thể chung thì sẽ rất khó cho một địa phương phát triển toàn diện.
Gỡ "nút thắt" về thể chế, môi trường đầu tư
Chia sẻ với phóng viên Vuasanca bên lề hội thảo, bà Trần Thị Kim Giang – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Bảo Hưng cho biết, với một công ty có thế mạnh về sản xuất các sản phẩm về thực phẩm, chủ yếu là hàng nông sản của Việt Nam. Chúng tôi đã có kinh nghiệm 30 năm hoạt động, hiện sản phẩm có thương hiệu OMELI của công ty đã được phân phối trên toàn quốc và đã xuất khẩu đến hơn 20 nước trên thế giới. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là nguồn nguyên liệu nông sản đầu vào có chất lượng nhằm phục vụ sản xuất.
"Vì vậy, đến với sự kiện ngày hôm nay, chúng tôi mong muốn sẽ tìm kiếm thêm được những đối tác, không bị giới hạn ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, phía Bắc mà có thể tìm kiếm được những cái đối tác tốt ở các khu vực khác trên cả nước nhằm đẩy mạnh hệ thống phân phối trong nội địa. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn tìm kiếm được nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào chất lượng, những sản phẩm nông sản thực phẩm là thế mạnh của Việt Nam nhằm đưa vào sản xuất tạo ra những sản phẩm mang giá trị của Việt Nam và xuất khẩu ra các nước trên thế giới" - bà Giang nhấn mạnh.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện nhiêu tỉnh thành và doanh nghiệp |
Cũng theo bà Giang, hội thảo còn có ý nghĩa quan trọng khi nhấn mạnh đến đúng vấn đề doanh nghiệp mong mỏi, đó là có một liên kết vùng đủ mạnh để tạo sự kết nối cho doanh nghiệp. Trong đó, một trong những vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm đó là về thể chế và giao thông cũng như tạo sự liên kết cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, để tạo ra một liên kết vùng đủ mạnh, xứng tầm, ông Lương Văn Thuận – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Thuận Cường, tỉnh Thái Bình cũng cho rằng, trước tiên cần gỡ "nút thắt" từ thể chế và môi trường đầu tư.
"Qua các ý kiến tham luận của hội thảo Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng, tôi tâm đắc nhất là trong năm 2023 dự kiến sẽ hoàn thành thể chế về liên kết vùng và quy hoạch vùng. Đây là điều kiện phát triển cho doanh nghiệp Thái Bình nói riêng và doanh nghiệp đồng bằng sông Hồng nói chung" - ông Thuận nói.
Ông Thuận thẳng thắn, một trong những cái khó khăn mà liên kết vùng chưa làm được, đó là xây dựng thể lệ, thể chế, môi trường đầu tư và quy hoạch vùng, quy hoạch cho từng tỉnh… vì đây là những yếu tố tác động trực tiếp tới định hướng phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, trước hết muốn doanh nghiệp phát triển thì thể chế, môi trường đầu tư và quy hoạch của từng tỉnh, từng vùng phải phát triển trước. Có như vậy mới tạo ra sự phát triển đột phá cho các tỉnh nói riêng, vùng nói chung.
Đặc biệt, theo ông Thuận, thông qua những hoạt động xúc tiến thương mại này của Bộ Công Thương, đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và của các bộ, ban, ngành quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp. Đây là một hội nghị rất kịp thời, khẩn trương, khích lệ tinh thần cho doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
"Hội nghị cũng giúp định hướng rõ hơn về liên kết vùng, thông qua đây, doanh nghiệp có thể giao lưu, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp để thúc đẩy, liên kết với từng sản phẩm của mỗi doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nắm được các định hướng về thể chế và quy hoạch tổng thể thúc đẩy sự phát triển cụ thể cho doanh nghiệp" - ông Thuận nhấn mạnh.
Bàn thêm về mặt giải pháp nhằm tạo sự phát triển đột phá cho liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: "Trước tiên, tôi cho rằng để có liên kết vùng thực chất thì điều kiện tiên quyết phải có kết nối hạ tầng. Tuy nhiên, kết nối hạ tầng là chưa đủ, các doanh nghiệp, địa phương phải có sự phối hợp thì mới hình thành mối liên kết chặt chẽ, thực chất. Muốn như vậy, chúng ta cần phải cơ chế, thể chế cho liên kết từng vùng, nếu không làm đường xong vẫn chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của liên kết.
Thứ hai, về mặt thể chế, lâu nay chúng ta vẫn nhận định có vùng nhưng chỉ là vùng địa lý còn vùng để phát triển là chưa có. Các tổ chức như hội đồng vùng, hội đồng tư vấn vùng đã hình thành nhưng hoạt động thực chất chưa nhiều bởi chưa có quyền lực, ngân sách, bộ máy thể chế... Vì vậy, chúng ta muốn có một liên kết vùng thực chất về mặt thể chế thì phải có một hội đồng vùng có đủ quyền lực, nguồn lực, cơ chế vận hành mang tính hiệu lực cao. Đồng thời, chúng ta phải có dự án liên kết vùng bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt. Ví dụ, Thái Bình không có đường bắc ngang qua thì sẽ rất khó cho phát triển. Những vấn đề như vậy phải có hội đồng vùng giải quyết, đề xuất".
PGS.TS Trần Đình Thiên kiến nghị, hiện Hiến pháp chưa có quy định về tổ chức vùng thì phải có những sáng tạo, cấu trúc có tính quá độ. Quan trọng hơn đó là cách tiếp cận một cách chính thống về hoạt động vùng. Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần phải có thời gian. Việc đặt ra vấn đề này tại hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp” do Bộ Công Thương và Thái Bình vừa tổ chức có thể tạo thêm động lực, áp lực về mặt xã hội cho việc giải quyết “điểm nghẽn” về mặt thể chế.