Chùa Địa Tạng Phi Lai (tên cổ là chùa Đùng) cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 70 km nằm tại thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ngôi chùa có địa thể tựa lưng vào núi, hai bên là tả Thanh Long - hữu Bạch Hổ. Theo lời kể của nhiều cao niên trong thôn, chùa Đùng được xây dựng vào thế kỷ 11 với quy mô hơn 100 gian. Đã có khoảng thời gian vua Trần Nghệ Tông về đây ở ẩn và vua Tự Đức cũng chọn nơi này để cầu tự con cái.
Cả quần thể ngôi chùa nằm gọn giữa rừng thông, tạo nên bầu không khí lúc nào cũng mát lành, yên tĩnh |
Theo dòng thời gian, cùng với sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh, cảnh quan chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Chùa bị bỏ hoang cho đến tháng 12/2015 khi sư trụ trì Đại Đức Thích Minh Quang về đây tiếp nhận và tu tạo, đổi tên chùa thành Địa Tạng Phi Lai. Được biết, “Địa Tạng” là danh hiệu của một vị Bồ Tát có đại nguyện lớn lao là cứu độ và giải thoát cho tất cả mọi chúng sinh. Do vậy, mỗi lần gọi tên chùa là một lần đánh thức bản nguyện của Ngài trong mỗi chúng ta, biết lựa chọn cách nghĩ cho người và lối sống vì mọi người.
Dạo một vòng, du khách sẽ cảm giác như tâm hồn được “tưới” xanh bởi trong chùa ngập tràn các khu vườn cây, thảo dược, thuốc chữa bệnh,…tất cả đều được chăm sóc bởi các sư và người dân |
Hơn 5 năm trở lại đây, Địa Tạng Phi Lai tự trở thành điểm dừng chân của hàng trăm ngàn lượt du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong dịp tết đến xuân về, đây là địa điểm du lịch tâm linh được nhiều khách thập phương lựa chọn bởi cảnh quan hung vĩ nhưng yên bình, thanh tịnh và cùng những đặc trưng riêng có.
Đặc biệt vào 30/7 Âm lịch, nơi đây còn diễn ra hoạt động Lễ Vu Lan, lễ Vía ngài Địa Tạng Bồ Tát. Vào Tết Trung thu 15/8 Âm lịch, bạn có thể tới đây để ngắm trăng tròn trong khoảng không thênh thang, thoáng đãng của chùa |
Địa Tạng Phi Lai tự được bao trùm bởi không gian hùng vĩ nhưng đủ tĩnh lặng, thanh tịnh là điểm nhấn, thu hút nhiều du khách thập phương.
Không gian chùa hoàn toàn thanh tịnh, hầu như không có âm thanh gì ngoài tiếng lá cây xào xạc, tiếng chuông gió leng keng trong veo. Bước chân vào chùa, tâm hồn như được tách biệt ra khỏi những suy nghĩ bộn bề thường nhật, bỗng nhiên nhẹ bẫng, trong trẻo và bình an |
Khi tới đây, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên trước khuôn viên rộng lớn nhưng vô cùng an yên. Gạch ngói mang lối kiến trúc Chăm Pa rõ rệt. Nổi bật trong không gian đó là những lớp sỏi trắng, tô điểm bằng những viên gạch, đá tạo thành lối đi. 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người.
Mười hai vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Những lớp sỏi trắng này tạo cho tớ cảm giác thanh tịnh, sạch sẽ, mỗi bước đi như được lướt trên mặt nước nhẹ nhàng. Sự cân đối, hài hòa với thiên nhiên là điểm đặc sắc trong kiến trúc của chùa Địa Tạng Phi Lai. |
Những lớp sỏi trắng tạo cảm giác thanh tịnh, sạch sẽ, mỗi bước đi như được lướt trên mặt sóng nhẹ nhàng. Đáng chú ý, chuông gió là một... “đặc sản”, điểm nhấn tại chùa Địa Tạng Phi Lai. Những dãy chuông gió, hay những chiếc chuông “khổng lồ” tạo nên những bản nhạc reo vui của Chư thiên, đất trời và lòng người quyện hòa, ngân nga.
Không chỉ là chốn thờ tự linh thiêng, Địa Tạng Phi Lai tự còn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng và du khách gần xa. Là thói quen từ bao đời nay của người Việt, trong những ngày đầu năm, dòng người nườm nượp về đây không chỉ để ước nguyện cầu mọi điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà đó còn là khoảng khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, lắng lòng, chiêm nghiệm lại những gì trong năm cũ, định hướng lại bản thân trong năm mới.
Khung cảnh đẹp yên bình và nhiều hoạt động, Địa Tạng Phi Lai Tự không chỉ có những người lớn tới thắp hương, cầu bình an…mà còn thu hút rất nhiều các bạn trẻ tới vãn cảnh, chụp ảnh hay tham dự các khoá tu |
Đến với Địa Tạng Phi Lai tự, Đại Đức Thích Minh Quang đã từng tặng nhiều du khách chữ “Đủ”. “Đủ nắng để ấm. Đủ mưa để mát. Đủ tình để vui. Và đủ tiền để tiêu, không để một thứ gì thừa. Vì mưa mà thừa sẽ úng lụt, nắng mà thừa mọi thứ sẽ khô khan, tiền mà thừa sinh nhiều tật xấu, tình mà thừa nó chảy lan man”.