Điểm tên những dự án ''khủng'' hàng chục nghìn tỷ đồng đang giúp Thanh Hóa bứt phá
Thu hút nhiều dự án chục nghìn tỷ đồng trong 6 tháng năm 2024
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 30/6/2024, toàn tỉnh đã thu hút được 71 dự án đầu tư trực tiếp, tăng 91,9% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, có 15 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 11.615 tỷ đồng (tăng 22,3% so với cùng kỳ) và 184,4 triệu USD (tăng 23,8% so với cùng kỳ); mua cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với 01 công ty, với tổng vốn góp là 23.700 triệu đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 03 dự án, với số vốn tăng 3,44 triệu USD, điều chỉnh giảm vốn cho 01 dự án FDI, với số vốn giảm 21,5 triệu USD. Nếu chia theo vùng miền, số dự án thu hút đầu tư vào vùng đồng bằng 44 dự án; vùng biển 12 dự án; miền núi là 15 dự án.
Dự án Trạm biến áp 500kV tại các xã Thiệu Tiến, Thiệu Phúc, Thiệu Viên, Thiệu Lý, Thiệu Trung và thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa có tổng mức đầu tư 1.444,5 tỉ đồng. Ảnh: EVN |
Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 28 dự án (có 10 dự án FDI), chiếm 42,4% số dự án đã thu hút, với số vốn 4.522,7 tỷ đồng và 177,33 triệu USD, lần lượt chiếm 41,5% tổng vốn đầu tư trong nước và chiếm 99,9% tổng vốn FDI.
Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ được tỉnh Thanh Hóa thu hút 22 dự án (có 2 dự án FDI), bằng 28,8% số dự án đã thu hút, với số vốn 333,1 tỷ đồng và 0,17 triệu USD, lần lượt chiếm 3,1% tổng vốn đầu tư trong nước và 0,1% tổng vốn FDI.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thanh Hóa đã thu hút 04 dự án, với số vốn 190,5 tỷ đồng, chiếm 6,8% về số dự án và 1,7% về số vốn đầu tư trong nước; lĩnh vực khai khoáng 09 dự án, với số vốn 120,7 tỷ đồng, chiếm 15,3% về số dự án và 1,1% về số vốn đầu tư trong nước; lĩnh vực hạ tầng 04 dự án, với số vốn 5.738 tỉ đồng, chiếm 6,8% về số dự án và chiếm 52,6% về số vốn đầu tư trong nước.
Đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho thấy, một số dự án có quy mô lớn, như: Hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, thành phố Thanh Hóa và vùng phụ cận (tổng mức đầu tư 2.545,8 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa, huyện Bá Thước (tổng mức đầu tư 3.199 tỷ đồng), Dự án Trạm biến áp 500kV tại các xã Thiệu Tiến, Thiệu Phúc, Thiệu Viên, Thiệu Lý, Thiệu Trung và thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa (tổng mức đầu tư 1.444,5 tỉ đồng).
Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại huyện Bá Thước có tổng mức đầu tư 3.199 tỷ đồng. Ảnh: Công ty cổ phần staBOO Thanh Hóa |
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 172 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 14,78 tỷ đô la Mỹ, gồm: 76 dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, 96 dự án đầu tư ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm
Theo Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã xác định danh mục 71 dự án đầu tư lớn, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay, đã có 04 dự án cơ bản hoàn thành, gồm Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn; Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa; Đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho 05 Trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh Thanh Hóa; Đầu tư xây dựng mới và mua sắm trang thiết bị cho 70 Trạm y tế tuyến xã, tỉnh Thanh Hóa; 34 dự án đang triển khai thực hiện; 33 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca về tiến độ thực hiện những dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết: Quá trình triển khai các dự án lớn, trọng điểm, có nhiều dự án vướng mắc với 36/71 dự án có phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể, đối với các dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư, việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu chức năng liên quan đến một số dự án còn chậm, như: Khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam Sông Mã; Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam Sông Mã; Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En...
Bên cạnh đó, các dự án trong lĩnh vực văn hóa phải xin ý kiến thẩm định, thỏa thuận của các bộ, ngành Trung ương, một số trường hợp phải tổ chức thi sáng tác hình tượng văn hóa để lựa chọn mẫu làm cơ sở thực hiện, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, như: Dự án Tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh; Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường; Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu…
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã có 04 dự án cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó có Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn. Ảnh NT |
Ngoài ra, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân khiến các dự án đang triển khai thực hiện bị chậm tiến độ, bởi do việc xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, đầu tư xây dựng các khu tái định cư chậm, như: Dự án Tổ hợp sản xuất hóa chất Đức Giang - Nghi Sơn; Dự án Flamingo Linh Trường Khu A và Khu B; Dự án Khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và Hoằng Long, thành phố Thanh Hóa...
Một số dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) có quy trình thực hiện nhiều bước, mất nhiều thời gian, phụ thuộc vào nhà tài trợ nước ngoài; một số dự án phải thực hiện hồ sơ, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư do tăng chi phí giải phóng mặt bằng, như: Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia; Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc...
Mặc dù một số dự án trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa đang bị chậm so với tiến độ đã đề ra, tuy nhiến, đến nay, Thanh Hóa vẫn đang dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, tính đến ngày 26/7/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hoá đạt hơn 6.800 tỷ đồng (năm 2024, tổng nguồn kế hoạch đầu tư công ngân sách Nhà nước của tỉnh Thanh Hóa được phê duyệt là 12.800 tỷ đồng), bằng 53,4% kế hoạch và cao hơn 11,5% so với cùng kỳ.
Phấn đấu đến năm 2025, sẽ trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước
Tỉnh Thanh Hóa xác định năm 2024 là năm “tăng tốc” để về đích các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ 2020-2025. Với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tỉnh Thanh Hóa đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai đồng bộ các giải pháp, sớm hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.
Về kinh tế, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu GRDP giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,1% trở lên. Đến năm 2030, nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 57%; dịch vụ chiếm 33,3%; thuế sản phẩm chiếm 4,6%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 USD trở lên; năm 2030 đạt 7.850 USD trở lên.
Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công dự án tại huyện Thọ Xuân. Ảnh QH |
Chia sẻ với Vuasanca về mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa trong những năm tới, ông Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã từng cho biết: Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15, ngày 13/11/2021, của Quốc hội, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ cao, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu, công nghiệp phục vụ kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn...; thu hút đầu tư các dự án công nghiệp mới quy mô lớn, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp.
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải - cảng biển của khu vực và cả nước. Khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn.