Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 17/11/2023: Giá vàng tăng cao, chạm mức 71 triệu đồng/lượng Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 18/11/2023: Giá vàng dự đoán sẽ tiến sát mốc 90 triệu đồng/lượng |
Vàng trong nước duy trì mức sát 71 triệu đồng/lượng
Rạng sáng nay, giá vàng trong nước duy trì gần mức 71 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng thế giới neo dưới 2.000 USD/ounce.
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 19/11/2023: Vàng trong nước duy trì mức sát 71 triệu đồng/lượng |
Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang niêm yết ở mức 69,95 triệu đồng/lượng mua vào và 70,77 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh giảm 50.000 đồng ở cả 2 chiều.
Chưa đầy 5% doanh nghiệp có tăng trưởng về doanh thu
Kết quả thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023 cho thấy, ngành công nghiệp - xây dựng vẫn là một trong những động lực phát triển của ngành kinh tế. Trong khi hoạt động nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản vẫn giữ được đà cải thiện đáng kể so với năm trước. Ngược lại, nhóm xây dựng, thép và cơ khí chưa đạt được mức hồi phục như kỳ vọng.
Đáng chú ý, trong top 10 doanh nghiệp ở bảng xếp hạng, ngành khoáng sản, xăng dầu có đến 3 đại diện có tổng doanh thu lớn nhất. Năm ngoái, vị trí này thuộc về ngành tài chính.
Năm 2023, những thách thức của nền kinh tế đã tạo ra áp lực cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận sự giảm sút trong doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng đều gia tăng rõ rệt so với kết quả khảo sát cách đây một năm.
Ở chiều ngược lại, trong số các doanh nghiệp cho biết có sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, đa số ở mức tăng nhẹ. Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận mức tăng lên đáng kể về doanh thu và lợi nhuận chưa đầy 5%.
Thêm ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay
Ước tính khoảng 1 tháng trở lại đây, đã có trên 20 ngân hàng giảm lãi suất huy động, là cơ sở để tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay.
Việc giảm lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ giúp kích thích nhu cầu vay vốn. Bởi hiện tín dụng tăng chậm, mới đạt khoảng 7%. Nhưng để tín dụng tăng được, các chuyên gia cho rằng cần thêm giải pháp kích cầu tiêu dùng.
Song song với giảm lãi suất, một số ngân hàng cũng miễn giảm thêm phí dịch vụ, hoặc tăng hạn mức cho vay tín chấp, không tài sản đảm bảo, để có thể thu hút được các khách hàng tốt tới vay vốn.
Theo giới chuyên gia, muốn tín dụng ra được thì tổng cầu của nền kinh tế phải lên, dòng tiền phải luân chuyển. Đặc biệt trong thời điểm đang cận kề Tết dương lịch và âm lịch, nhu cầu của người tiêu dùng gia tăng lên khiến doanh nghiệp cần vốn tích trữ nguyên liệu đầu vào đón đầu dịp Tết, có thể tín dụng sẽ tăng.
Kiến nghị mở rộng đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nêu 8 vướng mắc lớn của thị trường bất động sản, đồng thời đề xuất một số giải pháp về tín dụng.
HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; đồng thời, xem xét mở rộng hơn các đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho người mua căn nhà đầu tiên.
Đề xuất bảo vệ nhà đầu tư mua vốn cổ phần hóa
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi góp ý về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Trong đó, VCCI cho biết, nhà đầu tư phản ánh rất ngần ngại khi mua phần vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá do rủi ro pháp lý quá lớn. Vì vậy, VCCI đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định bảo vệ quyền tài sản của bên mua khi tham gia mua vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Xuất khẩu gỗ nội thất khó về đích
Mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD năm nay của ngành gỗ nội thất gần như không thể hoàn thành và có khả năng chỉ đạt 13,5 tỷ USD.
Sau nửa đầu năm đơn hàng sụt giảm mạnh với mức khoảng 40%, ngành gỗ nội thất có tín hiệu nhích dần lên từ tháng 7, khi mỗi tháng tăng trưởng 2-5% so với tháng liền trước. Đến tháng 10, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 9, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ 2022. Nguyên nhân là sức mua tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu còn yếu do kinh tế bất lợi, bất động sản căng thẳng vì mặt bằng lãi suất cao.