Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn |
Diễn đàn do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Phó Chủ tịch NCCC chủ trì cùng với trên 250 đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ, phi chính phủ của Việt Nam và của gần 100 tổ chức quốc tế bao gồm các tổ chức GO và NGO.
Thỏa thuận Paris về khí hậu đã được các quốc gia thông qua tại COP 21 vào tháng 12/2015 và đã có 83 quốc gia phê chuẩn và có hiệu lực từ ngày 4/11/2016. Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó thông qua xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược phòng chống thiên tai… Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 bằng nguồn lực trong nước, sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể tăng lên thành 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện cơ chế mới trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu”.
Diễn đàn đối thoại lần này nhằm trao đổi giữa các thành viên NCCC với các đối tác phát triển về những nỗ lực của Việt Nam để thực hiện Thỏa thuận Paris trên cơ sở những thông tin khoa học mới nhất về tác động của BĐKH đến Việt Nam. Theo đó, diễn đàn đã cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về BĐKH và những tác động của BĐKH tới Việt Nam. Đây là cơ sở nền tảng để xem xét đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp; Những kết quả cũng như nỗ lực của Việt Nam trong chuẩn bị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam, thực hiện các cam kết đã nêu trong Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam và cùng cộng đồng thế giới ứng phó với BĐKH toàn cầu. Diễn đàn cũng sẽ đề cập đến các vấn đề còn thiếu hụt trong các chính sách, hành động của Việt Nam và khả năng hỗ trợ của quốc tế để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết khác tại COP 21.
“Diễn đàn hôm nay chúng ta cùng nhìn nhận xem Việt Nam đối mặt với BĐKH như thế nào và cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam đóng góp gì cho BĐKH. Chúng tôi mong muốn rằng trong thời gian tới các chính sách phát triển của Việt Nam cần gắn chặt chẽ với chính sách phát triển năng lượng để đạt được mức nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C và có thể thì dưới 1,5 độ C cũng như sự tham gia rộng rãi hơn nữa của Việt Nam đối với IPCC”, ông Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC phát biểu.
Góp ý tại diễn đàn, Tiến sĩ Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam - khẳng định: “Dữ liệu của IPCC và của Việt Nam cho thấy nguy cơ gặp bão, mưa cực đoan và lũ lụt trên sông cũng như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng tăng với Việt Nam. Thách thức này là rất lớn và ngày càng gia tăng đòi hỏi nỗ lực lớn của Việt Nam. Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức này và chúng tôi cũng đã đưa ra một số ưu tiên như: Công tác nghiên cứu về BĐKH, xây dựng chính sách nhằm thích ứng và giảm nhẹ hậu quả của BĐKH. Đồng thời chúng tôi khuyến khích Việt Nam nghiên cứu và xem xét các mục tiêu INDC của mình kỹ lưỡng hơn, xem xét triển khai các công nghệ và cơ chế mới để có thể thích ứng và giảm nhẹ hậu quả của BĐKH nhiều hơn nữa so với mức cam kết…”.
Tại diễn đàn, Chương trình Hỗ trợ và ứng phó với BĐKH (SP-RCC) giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam cũng đã nhận được sự đồng thuận cao của các chuyên gia, đây là chương trình được xây dựng trên cơ sở kế thừa các thành tựu đạt được của Chương trình giai đoạn 2009 - 2015 đồng thời gắn chặt với các ưu tiên của Việt Nam và các yêu cầu do Thỏa thuận Paris quy định. Thông qua Chương trình SP-RCC, các đối tác phát triển sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách, tăng cường năng lực, thực hiện các dự án ứng phó với BĐKH. Giai đoạn 2016 - 2020 SP-RCC tập trung vào thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam với nguồn vốn huy dộng được thông qua chương trình dự kiến cho năm 2016, 2017 và 2018 là gần 500 triệu USD. |