Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh hòa điện lưới quốc gia trên đảo Phú Quốc |
Tháng 2/2014, Dự án cáp ngầm 110kV Hà Tiên- Phú Quốc đưa vào sử dụng, đã tạo ra một động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế trên hòn đảo nằm ở cực Nam của tổ quốc này.
Ông Huỳnh Tấn Hưng-Phó giám đốc Điện lực Phú Quốc cho biết, đến nay điện lưới quốc gia đã về đến 6 xã và 2 thị trấn, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 90-100%. Sản lượng điện thương phẩm của huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang từ 42 triệu kWh năm 2010 lên 87 triệu kWh năm 2014 và hơn 145 triệu kWh năm 2015. Hiện tại Điện lực Phú Quốc đang triển khai các dự án nâng cấp, ngầm hóa mạng lưới điện, tổ chức kéo lưới điện trung hạ thế đến địa bàn xã Hàm Ninh, Bãi Thơm cho những hộ dân chưa có điện; cấp điện cho xã Dương Tơ, An Thới; kéo điện đến khu vực nuôi tôm cá, ốc hương và các nhà máy làm dịch vụ hậu cần nghề biển quanh đảo.
Nhân viên điện lực kéo điện đến từng hộ dân nghèo ở Phú Quốc |
Theo ông Hưng, nhờ giá điện lưới quốc gia rẻ gấp ba lần giá điện chạy máy dầu trước đây (từ 5.400 đồng/kWh giảm xuống còn 1.700 đồng/ kWh) không chỉ làm nóng thị trường bất động sản mà các dịch vụ giải trí, nhà hàng, nghỉ dưỡng cũng phát triển nhanh chóng.
Bà Huỳnh Ngọc Vân- chủ quán cơm đặc sản Tươi Thắm, đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông cho biết, trước đây tiền điện nhà xài 5-6 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn khoảng 1/3 và điện không còn cảnh cúp tắt. Khi chưa có điện lưới quốc gia, quán cơm đón chừng trăm thực khách, nay thì 200-300 người, có bữa đông qúa phục vụ không xiết. Bà Vân còn khoe, nhờ điện giá rẻ nhà đầu tư thêm quán, khu nhà trọ vì khách du lịch đến Phú Quốc ngày càng đông.
Chủ đầm nuôi tôm, ốc hương ở xã Hàm Ninh Trần Văn Tám chia sẻ, ngư trường nuôi trồng thủy sản ở Phú Quốc rất thuận lợi nhưng điện chập chờn nên dân ở đây lâu nay không làm giàu được. Nay có điện lưới quốc gia, gia đình ông Tám đã chi hơn 2 tỷ đồng hùn hạp với người bà con mở thêm đầm nuôi cua ghẹ, xây nhà máy nước đá do thấy “tiềm năng kinh tế của Phú Quốc đang vọt lên từng ngày” vì không đầu tư sớm sẽ mất cơ hội.
Năm 2004, Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến 2010 và tầm nhìn 2020, mục tiêu đưa Phú Quốc thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao thật sự là lực hút cho hơn 200 dự án tiền tỷ đầu tư vào Phú Quốc trong vài năm gần đây.
Chẳng hạn, Tập đoàn Sun Group vừa tổ chức khởi công dự án cáp treo Hòn Thơm - Phú Quốc dài nhất thế giới (gần 7.899,99m) với tổng mức đầu tư 4.900 tỷ đồng và sẽ hoạt động vào dịp 30/4/2017. Sun Group đang thi công quần thể du lịch, nghỉ dưỡng ở phía Nam Phú Quốc, dự kiến dịp 30/4/2016 sẽ đưa trên 1.000 phòng nghỉ cao cấp và bến du thuyền, dịch vụ thủy phi cơ vào hoạt động.
Có điện lưới quốc gia người dân Phú Quốc hồ hởi mua sắm ti vi lớn về xài |
Tập đoàn Vingroup đang xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc ở xã Gành Dầu, quy mô hơn 300 ha có tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Vingroup đang thực hiện kế hoạch xây một vườn thú lớn thứ hai thế giới để nuôi khoảng 1.000 loài động thực vật quý hiếm với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD trên quy mô 500 ha tại xã Gành Dầu và Cửa Cạn.
Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp, khu xăng dầu ngoại quan trị giá 2.000 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; dự án nghỉ dưỡng cao cấp Grand World Phú Quốc 4.600 tỷ đồng của Công ty cổ phần Địa ốc Long Điền và hơn 200 dự án bất động sản khác cũng đã được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước rót vào Phú Quốc chỉ trong hơn 1 năm qua.
Dòng điện lưới quốc gia vượt biển ra đảo Phú Quốc không chỉ thu hút đầu tư, kéo dòng khách du lịch trong và ngoài nước gia tăng mà còn làm thay đổi hẳn cuộc sống thường nhật của cư dân trên đảo. Ông Huỳnh Lắm, hành nghề xe ôm chuyên nghiệp 20 năm ở thị trấn Dương Đông khoe với phóng viên: "Khoảng một năm nay thu nhập của tui mỗi ngày khoảng 500.000 đồng từ những cuốc xe. Tính ra mỗi tháng “đút túi” không dưới 15 triệu đồng, với người nghèo như tui đến mơ còn lâu mới có".