Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLGSBH) – Bộ Tài chính, bà Phạm Thu Phương, trong năm 2016, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì và tăng trưởng ổn định. Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 62 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước 239.413 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2015; Đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 186.572 tỷ đồng, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm 2015.
Năm 2016, thị trường bảo hiểm có mức tăng trưởng khá cao với tổng doanh thu bảo hiểm ước 101.767 tỷ đồng, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm ước 86.049 tỷ đồng (tăng 22,74%), doanh thu hoạt động đầu tư ước 15.718 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các đối tượng khoảng 25.872 tỷ đồng.
Không chỉ phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ và đầu tư trở lại nền kinh tế, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng là một trong những thành phần chủ chốt tham gia mua trái phiếu Chính phủ. Năm 2016, Cục QLGSBH đã thúc đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm mua trái phiếu Chính phủ dài hạn với khối lượng lớn là 29.044 tỷ đồng cho các kỳ hạn 15, 20 và 30 năm. Ngoài ra, Cục đã hỗ trợ Công ty Bảo hiểm nhân thọ Cathay (Công ty mẹ của Cathay Life Việt Nam) đấu thầu thành công 300 triệu USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm.
Bà Phạm Thu Phương cho biết, năm 2017, Cục QLGSBH sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện các thể chế, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 130/2006/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP quy định về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Xây dựng Nghị định hướng dẫn triển khai bảo hiểm vi mô; Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, năm 2017 ngành bảo hiểm trong nước cần tiếp tục thực hiện các Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm; Giám sát các biểu hiện trục lợi bảo hiểm, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, đưa dịch vụ công trực tuyến vào quản lý bảo hiểm. Đặc biệt, cần phải hoàn thiện thể chế chính sách trong bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm vi mô.