Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt và thực hiện hệ thống cảnh báo sớm phòng vệ thương mại
DN không thể lơ là phòng vệ thương mại
Theo đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính đến nay Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý 176 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bao gồm 100 vụ việc chống bán phá giá, 18 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 35 vụ việc tự vệ. Chỉ riêng 6 tháng/ năm 2020, Bộ đang xử lý 13 vụ việc, đồng thời tiếp nhận xử lý 6 vụ việc tiền khởi xướng. Ngoài ra, tiếp tục xử lý nhiều vụ việc rà soát biện pháp PVTM đang có hiệu lực thi hành với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường để tránh bị áp dụng các biện pháp PVTM |
Bà Phạm Châu Giang- Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - cho biết, trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt là FTA với EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực thì các DN xuất khẩu của Việt Nam không thể lơ là trong vấn đề thực thi PVTM. Thực thi nhiều FTA, việc gia tăng các biện pháp PVTM tại nhiều nước, khu vực thị trường xuất khẩu là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt là các biện pháp PVTM gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Từ đó làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp...
Lo ngại trước những nguy cơ mà các DN xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp phải khi các nước ngày càng áp dụng nhiều biện pháp PVTM, ông Phan Khánh An - Phòng Pháp chế - Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, sự hiểu biết của DN xuất khẩu Việt Nam về PVTM hiện còn rất hạn chế. Theo một khảo sát gần đây, có khoảng 15% DN không biết gì về PVTM, chỉ có gần 2% đã tìm hiểu tương đối kỹ, nắm rõ, còn đa phần các DN có biết, nghe qua nhưng chưa nắm rõ vấn đề này.
Chính từ thực tế này, các DN Việt Nam cần chủ động tìm hiểu và xác định nguy cơ, tìm phương án phòng tránh nguy cơ kiện PVTM của nước ngoài xảy ra như thay đổi nguồn cung ứng nguyên vật liệu từ các đối tác khác, sẵn sàng thu thập đầy đủ các thông tin, dữ liệu, sổ sách để chứng minh khi cần, có phương án thay đổi thị trường xuất khẩu nếu bị áp thuế. Các DN cũng cần nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra, các nhóm mặt hàng thường bị kiện... để hạn chế tối đa những thiệt hại do các vụ kiện PVTM gây ra.
Doanh nghiệp cần chủ động và phối kết hợp
Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh - từ phía các DN cần hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình về PVTM trong các FTA để chủ động trong việc bảo vệ chính mình và ngành hàng xuất khẩu. Đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống quy định pháp luật về PVTM phù hợp với quy định của WTO, thông lệ quốc tế để tiến hành khởi xướng điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM nhằm bảo vệ lợi ích của DN trong bối cảnh thực thi FTA. Hiệp hội sẽ hỗ trợ các DN cập nhật thông tin, tìm hiểu quy định PVTM của các nước xuất khẩu.
Hỗ trợ DN thực thi PVTM, từ phía ngành Công Thương ở các địa phương cũng đã tăng cường phối hợp với các bộ ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quy định của các FTA đến các DN xuất khẩu. Đến nay, nhiều tỉnh thành cũng đã và đang thực hiện chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu, tăng giá trị gia tăng hàng xuất khẩu cũng cần theo dõi kỹ để cánh báo sớm nếu như hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến để có sự cảnh báo, ứng phó kịp thời.
Mới đây, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2074/QĐ- BCT ngày 5/8/2020 ban hành Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM”. Việc vận hành hệ thống cảnh báo sớm sẽ theo dõi, hỗ trợ cơ quan điều tra về PVTM và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc PVTM trong và ngoài nước. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng DN sẽ chú trọng, sát sao nắm tình hình, thường xuyên cập nhật những điều chỉnh trong chính sách thương mại của các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam; phân tích, dự báo, sớm phát hiện những chính sách cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Cục Phòng vệ thương mại sẽ luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và DN để kịp thời cập nhật vụ việc PVTM. Bên cạnh đó, Phòng xử lý PVTM nước ngoài cũng sẽ hỗ trợ DN Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài cũng như cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với Chính phủ và hỗ trợ DN trong quá trình xử lý vụ việc nếu có xảy ra liên quan đến PVTM.