Doanh nghiệp cần đặt tình hữu nghị lên trước lợi nhuận
- Thưa Đại sứ, bà nhận xét thế nào về quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Lào?
Hơn 4 năm công tác tại Việt Nam, tôi đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai nước. Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai nước có những chuyển biến tích cực, đầu tư trực tiếp của DN Việt Nam tại Lào liên tục tăng. Năm 2010, Việt Nam đã có 248 dự án đầu tư với số vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực mà Lào có tiềm năng như khai thác khoáng sản, năng lực, nông nghiệp, dịch vụ… Trong đó, 158 dự án DN Việt Nam đầu tư, trị giá hơn 2 tỷ USD; 90 dự án hợp tác liên doanh trị giá 789 triệu USD.
Bà Sounthne Sayachak - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Lào tại Việt Nam.
Với những cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước liên tục tăng: năm 2007 đạt 321 triệu USD, năm 2010 đạt 490 triệu USD và 5 tháng đầu năm 2011 đạt 281 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng mức tăng trưởng xuất nhập khẩu còn chậm và chưa xứng tầm với tiềm năng của hai nước, chưa đạt được mục tiêu mà hai Chính phủ đề ra cho năm 2010 là 1 tỷ USD.
Hợp tác trong ngành công nghiệp có những bước phát triển tích cực. Nhiều DN Việt Nam đang đầu tư vào các lĩnh vực thủy điện, khoáng sản, trồng cây công nghiệp… tại Lào. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh tế, tài chính, nên nhiều dự án chưa hoàn thành đúng tiến độ.
Theo Đại sứ, những lĩnh vực nào tiếp tục là tiềm năng hợp tác giữa hai nước?
Lào và Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, công nghiệp nhẹ, chế biến nông-lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Lào rất chú trọng hiệu quả hợp tác toàn diện giữa hai nước nhằm tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Vì vậy, Chính phủ Lào luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam sang đầu tư tại Lào.
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại hai nước, theo bà, Chính phủ Việt Nam và Lào cần tập trung vào những nội dung nào?
Trong hợp tác kinh tế hai nước, các nhà đầu tư phải nhận thức rõ tầm quan trọng của tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện của hai bên. Đôi khi, DN phải đặt tình hữu nghị lên trước lợi nhuận kinh doanh. Như thế, người dân hai nước mới có thể cùng vươn lên giàu mạnh.
Thời gian tới, hai bên cần làm tốt hơn nữa việc triển khai thực hiện nội dung các hiệp định, thỏa thuận, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của DN hai nước. Hai bên cần khai thác những tiềm năng, thế mạnh của đối tác. Đặc biệt là thực hiện Đề án “Phát triển thương mại Việt Nam-Lào”.
Gần đây, tại kỳ họp lần thứ 33, Phân ban hợp tác Việt-Lào đã đưa ra chiến lược và hướng hợp tác trong 5-10 năm tới. Trước mắt, hai bên cần tập trung thúc đẩy các DN đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng. Để các nhà đầu tư Việt Nam có thêm thông tin, nắm được luật pháp của Lào, chúng tôi mong muốn Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách đầu tư và thương mại của Lào cho các DN Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam nên thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho các DN hai nước thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ !
Nguyễn Phượng Thực hiện