Doanh nghiệp châu Âu “để mắt” tới ngành dược Việt Nam
Ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài |
Công nghiệp dược Việt Nam: Một góc nhìn
Việt Nam đang có gần 180 nhà máy dược phẩm, trong đó khoảng 150 nhà máy đạt chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” của Tổ chức Y tế thế giới (chuẩn WHO-GMP). Với mức tăng trưởng ổn định hàng năm và tỉ suất cạnh tranh cũng như năng lực tài chính mạnh, một số công ty dược như Traphaco, Dược phẩm Hậu Giang,… đã chiếm ngôi đầu bảng trên thị trường dược Việt Nam.
Theo phân tích của các chuyên gia, công nghiệp dược Việt Nam đang gặp phải một số điểm yếu như thiếu chiến lược tập trung và dài hạn trong khi kỹ thuật tiếp thị kém, hệ thống phân phối chưa hiện đại. Chưa kể, trình độ sáng tạo thấp được thể hiện số bằng sáng chế trong nước đăng ký dưới 1%. Tỷ lệ đầu tư nghiên cứu thuốc mới của các công ty trong nước chỉ chiếm khoảng 5% doanh thu. Các sản phẩm được sản xuất chủ yếu ở dạng bào chế quy ước, mà ít dạng bào chế công nghệ cao và thiếu các loại thuốc đặc trị.
Hàng năm, ngành Dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-90% dược liệu sử dụng có nguồn gốc nhập khẩu. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có kim ngạch xuất khẩu vào Việt Nam lớn nhất về dược liệu.
Giá trị xuất khẩu dược phẩm của Việt Nam chỉ đạt 5% so với giá trị nhập khẩu và bằng 2,5% so với giá trị tiêu thụ toàn ngành. Các thị trường xuất khẩu chính là Nga, các nước châu Phi và các nước gần hơn như Myanmar, Philippines, Campuchia…
Thị trường với những cơ hội tiềm năng
Phía sau những hạn chế đã được chỉ ra ở trên, công nghiệp dược Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn bởi thị trường dược phẩm trong nước tăng trưởng mạnh nhất khu vực châu Á. Tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người là 40 USD. Khoản tiêu dùng cho sức khỏe của một người Việt Nam tuy nhỏ, nhưng với dân số đông hơn 93 triệu người chính là cơ sở cho tiềm năng phát triển cao.
Hơn thế, mối quan tâm của người Việt Nam về sức khỏe có xu thế tăng nhanh chóng. Trong 5 năm trở lại đây, các sản phẩm như OTC (y dược cơ bản), Vitamin và thực phẩm bổ sung, thuốc quản lý cân nặng, thuốc y học cổ truyền… luôn có doanh số bán ra hàng năm tăng đều đặn 2 con số.
Theo các công ty nghiên cứu thị trường, tốc độ tăng trưởng thị trường dược phẩm Việt Nam trong giai đoạn 2010-2015 là 17-20% và đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn 17%. Quy mô thị trường thuốc Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 7,2 tỉ USD vào năm 2020 từ mức 4,2 tỉ USD năm 2015.
Với nền tảng đó, mục tiêu ngành dược đặt ra đến năm 2020, đảm bảo 100% nhu cầu thuốc cho chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công nghiệp dược trong nước đáp ứng 80% nhu cầu thuốc thành phẩm và 20% nguyên liệu làm thuốc. Chất lượng thuốc sẽ nâng cao với 40% thuốc generic đăng ký được thử sinh khả dụng (BA) và tương đương sinh học (BE).
Đặc biệt, Luật Dược (sửa đổi) được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2016 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 được đánh giá đã thực sự thổi luồng gió mới, tiếp sức cho sự phát triển của ngành dược Việt Nam, đặc biệt là đón đầu những cơ hội được tạo ra từ các hiệp định thương mại tự do.
Doanh nghiệp châu Âu “để mắt”
Ông Bradley Silcox - Chủ tịch Tiểu ban dược phẩm EuroCharm - cho biết, các doanh nghiệp châu Âu đặc biệt quan tâm tới ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, thay vì chỉ đặt văn phòng đại diện như trước đây.
Theo phân tích của ông Bradley Silcox, Luật Dược (sửa đổi) với cơ chế cởi mở hơn, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các loại dược phẩm chất lượng cao. Trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng các dược phẩm điều trị bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, ung thư… trong khu vực có xu hướng tăng cao.
Hồi tháng 9/2016, Tập đoàn Sanofi của Pháp (thuộc nhóm 20 công ty dược lớn nhất thế giới, xét theo doanh thu) đã công bố ký kết thỏa thuận tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Tổng công ty Dược Việt Nam - Vinapharm. Mục tiêu của hoạt động hợp tác này bao gồm cả việc Vinapharm sẽ sản xuất và tiếp thị tất cả dược phẩm của Sanofi tại Việt Nam, cũng như các dược phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Các doanh nghiệp châu Âu đa phần đều có cùng quan điểm, sự kết hợp giữa lợi thế về công nghệ sản xuất cũng như các nghiên cứu ứng dụng của doanh nghiệp EU với thị trường tiêu thụ rộng lớn trong khu vực có thể giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược của ASEAN trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết lợi thế mà EVFTA mang lại, Việt Nam cần có chính sách thu hút đầu tư cụ thể cũng như rút ngắn lộ trình tiếp cận cho doanh nghiệp nước ngoài đối với ngành dược. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung phát triển hệ thống phân phối dược phẩm tại thị trường nội địa và kết nối với các nước khác trong khu vực ASEAN.
Bản thân các doanh nghiệp dược Việt Nam cần có cái nhìn rất tích cực về các cơ hội mà hiệp định thương mại tự do mang lại. Bà Phạm Thị Việt Nga -Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang - đã chia sẻ với báo giới: Với xu thế hội nhập, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhỏ từ châu Âu, Mỹ, châu Á, ASEAN... sẽ tham gia vào thị trường dược phẩm Việt Nam, tạo khả năng cho Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Cũng theo bà Nga, bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, Dược Hậu Giang sẽ chú trọng khai thác lợi thế của hệ thống bán hàng, hệ thống kho đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) và “Thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP) trên cả nước để mở rộng kinh doanh sản phẩm độc quyền của những tập đoàn đa quốc gia, tiến dần đến gia công và hợp tác sản xuất ở những giai đoạn sau. Nếu điều kiện thuận lợi và có đối tác, Dược Hậu Giang sẽ nhượng quyền kỹ thuật và thương hiệu một vài sản phẩm đã thành công trong nước.
“Chúng tôi sẵn sàng liên kết với các đối tác xây dựng nhà máy tại một số nước trên nguyên tắc cổ phần hóa và Dược Hậu Giang nắm cổ phần chi phối (không thấp hơn 51%)” - bà Nga nói.
Trong đầu tư cho sản phẩm mới, doanh nghiệp ngành dược cũng chú trọng hơn việc nghiên cứu và thương lượng mua kết quả nghiên cứu khoa học từ các viện nghiên cứu và trường đại học.... Đáng mừng, chính doanh nghiệp dược Việt Nam cũng có cùng quan điểm với doanh nghiệp châu Âu khi đánh giá EVFTA sẽ là cơ hội rất lớn để ngành dược chuyển mình không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn sản xuất ra nhiều hơn những sản phẩm chất lượng để xuất khẩu.