Học viên thực hành tại Trung tâm Đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp của Tập đoàn Bosch tại Đồng Nai |
Đây là một trong những hoạt động thiết thực của GTAI và Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) nhằm kết nối doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng xuất khẩu.
Đoàn DN Đức đến Việt Nam lần này tập trung trong các lĩnh vực như: kiến trúc tổng thể và xây dựng công trình nước sạch, vật liệu xây dựng nội ngoại thất, công nghiệp bê tông đúc sẵn và nhà tiền chế, dụng cụ xây dựng cầm tay, công cụ chế tạo máy và gia công kim loại… Trong đó nhiều nhà đầu tư tiềm năng như Selectrona GmbH, WMB Werkzeugmaschinenbau Halle GmbH hay Koenig Design… đây cũng là những DN đang tìm hiểu để quyết định đầu tư tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình, GTAI và GIC/AHK Việt Nam sẽ tổ chức diễn đàn “Nhịp cầu giao thương Doanh nghiệp Đức - Việt 2015”. Tại diễn đàn, DN hai nước sẽ có cơ hội tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh cũng như về công nghệ và chuyển giao công nghệ. Qua đó góp phần hỗ trợ và tạo điều kiện để các DN Đức kết nối, tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam và Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ tháng 10/2011. Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu (EU), chiếm 20% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Trong 5 năm qua, thương mại hai chiều tăng từ mức 4,1 tỷ USD năm 2010 lên 7,8 tỷ USD năm 2014. Dự kiến năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Đức sẽ tăng 10% so với năm 2014.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Đức là điện thoại và phụ kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy hải sản. Ở chiều ngược lại, có hơn 45% sản phẩm xuất khẩu của Đức vào thị trường Việt Nam năm 2014 là máy móc và thiết bị.
Đầu tư của Đức tại Việt Nam cũng tăng gần 70% trong 5 năm qua, từ 824 triệu năm 2010 lên 1,38 tỷ USD hiện nay, đứng thứ 5 trong EU. Những dự án đang được hai nước tích cực triển khai như Ngôi nhà Đức, Tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt - Đức… Dự án Ngôi nhà Đức được bắt đầu xây dựng vào tháng 11/2014, sau khi hoàn thành vào năm 2017, Ngôi nhà Đức sẽ là biểu tượng mới, nổi bật cho quan hệ song phương giữa hai nước.
Theo đánh giá của GTAI, hiện có khoảng hơn 300 công ty Đức đang hoạt động và đầu tư tại Việt Nam. Đối với các DN Đức, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn. Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp, như vậy cần phải đầu tư vào các ngành công nghiệp để tiến hành hiện đại hóa, do đó phải nhập khẩu nhiều máy móc hơn. Trong khi đó, Đức là quốc gia hàng đầu thế giới trong việc cung cấp máy móc hiện đại vì thế có thể hỗ trợ tích cực cho DN Việt Nam trong vấn đề này.