Công ty Du lịch Bến Thành một trong những DN CPH được xác định giá trị DN rất cao.
Theo Ban quản lý đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) TPHCM, năm 2014 TPHCM đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi, cổ phần hóa (CPH) 11 DN có giá trị vốn sở hữu nhà nước tại thời điểm xác định lại giá trị DN là hơn 1.160 tỷ đồng. Sau khi cổ phần, giá trị vốn nhà nước tại các DN tăng trên 195 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có hơn 1.300 lao động trong các DN này được hưởng các chính sách ưu đãi tham gia mua cổ phần. Năm 2015, 19 DN còn lại tiếp tục thực hiện CPH theo kế hoạch đề ra của TP.
Trong CPH, nhiều DN cho rằng, quá trình này vẫn gặp nhiều khó khăn, cần tháo gỡ. Ông Nguyễn Văn Dụ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco)- đơn vị có kế hoạch cổ phần hóa 4 đơn vị trực thuộc – cho biết thủ tục xác định giá trị đất đai, thanh lý tài sản còn kéo dài, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, chi phí CPH DNNN theo quy định còn thấp, không đủ để DN trang trải, cần được điều chỉnh tăng thêm.
Dẫn chứng thêm cho khó khăn này, ông Lê Tùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho biết, chi phí cho phép CPH theo tỷ lệ quy mô vốn nhưng chỉ tối đa 500 triệu đồng, không thể đủ để thực hiện CPH. Đơn cử, Công ty súc sản Vissan (thành viên của SATRA) có nhiều nhà máy nên chi phí đo vẽ đã vượt con số 500 triệu đồng. Theo thống kê ban đầu mà tổng công ty đưa ra, chi phí tư vấn chào giá của Vissan là 600 triệu cộng với chí phí đo vẽ đất đai 600 đồng là đã mất 1,2 tỷ đồng. Như vậy, nếu thực hiện đúng theo lộ trình cho phép sẽ gây nhiều khó khăn cho DN.
Bên cạnh đó, một khó khăn khác mà nhiều DN còn vướng đó là cách thẩm định giá trị tài sản DN vẫn chưa sát với thực tế. Theo lý giải của DN, giá trị thực của DN có thể xác định được nhưng giá trị thương hiệu là vô giá mà trong kinh doanh thì giá trị thương hiệu quyết định sự thành bại của DN.
Bà Lê Ngọc Thùy Trang- Chi cục trưởng Chi cục Tài chính DN (Sở Tài chính TP.HCM) cho biết, trong quá trình thực hiện CPH các DN đều vướng trong xử lý tài chính và vấn đề này chưa được DN quyết tâm thực hiện đúng mức. Thiết nghĩ, DN đang giữ vốn nhà nước phải thận trọng, tránh tình trạng thất thoát vốn nhà nước. Trong xử lý tài chính, DN phải nắm vững các quy định khi xử lý các tài sản loại ra, các khoản nợ khó đòi… Về vấn đề xác định giá trị DN, bà Trang cho rằng, cách tính giá trị tài sản DN được thực hiện với hai nội dung. Thứ nhất, tính giá trị tiềm năng phát triển bằng tỷ suất lợi nhuận 3 năm liền; thứ hai được tính từ giá trị thương hiệu. Cụ thể thời gian qua, Công ty Du lịch Bến Thành được xác định giá trị thương hiệu lên đến hàng mấy chục tỷ. “DN hoàn toàn có thể yên tâm trong khâu xác định giá trị CPH”- bà Trang nhấn mạnh.