Bàn giải pháp gỡ khó, triển khai hiệu quả đề án 1 triệu nhà ở xã hộiNhu cầu lớn - vì sao phát triển nhà ở xã hội gặp khó? |
Một trong số nguyên nhân khiến Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu ra là một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ.
Về vướng mắc này, từ thực tế tham gia đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân, cho hay: Tập đoàn Hoàng Quân đã tham gia xây dựng các dự án nhà ở xã hội từ năm 2013, hoàn thành hơn 10 dự án, với trên 10 nghìn căn nhà ở xã hội, nhà cho công nhân đi vào hoạt động.
Năm 2024, Công ty thực hiện 12 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trong đó bàn giao 13 nghìn căn tại các tỉnh Bình Thuận, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long…
Doanh nghiệp “hiến kế” gỡ khó cho phát triển nhà ở xã hội. Ảnh minh họa |
“Đối với nhà cho công nhân, thực tế chưa có doanh nghiệp nào có đủ vốn để thực hiện vì trên 50% công nhân có nhu cầu thuê nhà”, ông Trương Anh Tuấn nói.
Để giải quyết vấn đề này, theo đại diện Tập đoàn Hoàng Quân, ngoài Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, doanh nghiệp đề xuất cần phải có cơ chế phù hợp. Từ đó, khuyến khích nhà đầu tư xây dựng, tạo ra nguồn lực phát triển, giúp cho người dân có điều kiện để tham gia mua nhà.
Ông cũng đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét về suất vốn đầu tư, giá thành cho nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước cần có một nguồn vốn ổn định để thực hiện hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Cũng liên quan đến vấn đề vốn trong đầu tư nhà ở xã hội, ông Trần Ngọc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera – CTCP nhấn mạnh, cần tiến hành điều chỉnh, cân đối lại suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Theo đó, hưởng ứng chương trình phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ, Viglacera hiện đầu tư và hoàn thành khoảng 8 nghìn căn hộ; đang tiếp tục chuẩn bị đất, thủ tục pháp lý xây dựng thêm 9 nghìn căn hộ nữa.
Tuy nhiên, trong tổng số 8 nghìn căn hoàn thành đưa vào hoạt động thì mới chỉ sử dụng khoảng 5 nghìn căn, tồn kho 3 nghìn căn, chủ yếu là nhà ở công nhân được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đầy đủ, giá bán từ 250 – 600 triệu/căn, giá thuê từ 1,2 – 2,4 triệu/tháng/căn hộ dành cho 2 – 4 người.
Lợi nhuận tối đa xây dựng nhà ở xã hội là 10% nhưng các tiện ích xã hội, như hầm, công trình công cộng, bãi đỗ xe... vẫn cần có. “Chính phủ, Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn cụ thể việc triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân; cho phép địa phương thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư sao cho phù hợp với từng khu vực; tiến hành điều chỉnh, cân đối lại suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (đang thấp hơn 25% so với suất vốn đầu tư nhà ở thương mại) tương đương với suất vốn đầu tư nhà ở thương mại...”, đại diện Viglacera kiến nghị.
Thủ tục hành chính cũng là một trong những vấn đề gây khó cho các nhà đầu tư nhà ở xã hội. Trong đó, việc cải cách thủ tục hành chính; ban hành các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thêm của địa phương để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế.
Chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án. Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh Bất động sản số 29/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, đã có thêm các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đơn giản thủ tục và các điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội;...Tuy nhiên, đến ngày 01/01/2025 mới có hiệu lực thi hành.
Về vấn đề này, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Vinhomes, kiến nghị Bộ Xây dựng cũng như các Bộ, ngành nghiên cứu trình Chính phủ đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhanh gọn, bằng hoặc nhanh hơn thủ tục làm nhà ở thương mại. Thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án cần nhanh, song song với điều chỉnh quy hoạch phân khu.
Đồng thời, xem xét rút ngắn thủ tục trong xác định tiền sử dụng đất, thuê đất, xác định số lượng tiền được miễn, xét duyệt đối tượng; cho phép áp dụng suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội được áp dụng chung suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở thương mại…
Nhu cầu nhà ở xã hội ngày một lớn, theo đó việc sớm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư là vấn đề cấp bách. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông tin, Bộ Xây dựng cũng đang triển khai xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và sẽ sớm hoàn thành trước tháng 7/2024 để các đơn vị thống nhất áp dụng, triển khai thực hiện.
Đảm bảo nguồn tài chính ổn định và khả năng tiếp cận vốn dễ dàng, thuận lợi cho các dự án; rà soát lại việc triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng sao cho khả thi, phù hợp.
Đối với các dự án đã triển khai khởi công xây dựng, Bộ trưởng cũng đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành, đảm bảo chất lượng dự án. Bộ Xây dựng cũng sẽ sớm thành lập các Tổ công tác về địa phương để hướng dẫn, tháo gỡ và thúc đẩy việc triển khai, xây dựng nhà ở xã hội. Về phía các chủ đầu tư, cần tối ưu hóa thiết kế, sử dụng vật liệu, công nghệ thi công mới để góp phần giảm giá thành của nhà ở xã hội …