Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện Việt Nam thu hút được 39.553 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 473,065 tỷ USD đến từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào Việt Nam 1.347 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 11,830 tỷ USD, đứng thứ 11/145 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Hiện Việt Nam thu hút được 39.553 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài |
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực kiêm Trưởng Đại diện tại Việt Nam Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN: Đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam lớn hơn so với số lượng thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Bởi có những khoản đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ thực hiện, nhưng pháp nhân không phải từ Hoa Kỳ mà từ quốc gia khác. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Hoa Kỳ dẫn chuỗi, họ không bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam để xây dựng nhà máy, nhưng trong một số ngành như điện tử, da giày, may mặc họ đã đưa ra yêu cầu với nhà cung cấp của mình là sản xuất tại Việt Nam, nên những nhà cung cấp này đã mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam và tạo ra giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD cho Việt Nam.
Theo ông Joseph Uddo - Chủ tịch AmCham Hà Nội: Hơn một nửa thành viên của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết họ đang kinh doanh đạt kế hoạch và tốt hơn kỳ vọng tại Việt Nam, tuy nhiên cũng hơn một nửa thành viên AmCham cảm thấy môi trường kinh doanh cần được tiếp tục cải thiện.
Đại diện AmCham Hà Nội cho rằng, yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, dễ dự đoán và tinh giản, coi trọng sự đổi mới để không chỉ thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và phát triển các dự án đầu tư hiện tại. AmCham đã ủng hộ tích cực các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam trong hơn 15 năm qua, đã có một số thủ tục hành chính được loại bỏ và đơn giản hoá.
Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, cần xem xét một số luật và quy định mới vẫn tiếp tục đưa ra các thủ tục hành chính mới để tránh ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, nhất là các vấn đề liên quan đến giấy phép về quy hoạch và các giấy phép liên quan, giấy phép kinh doanh, đầu tư, phát triển bất động sản, thị thực cho người lao động nước ngoài... Ngoài ra, mặc dù Chính phủ thúc đẩy số hoá nhưng nhiều thủ tục hành chính như báo cáo, đăng ký, thông báo vẫn phải nộp bằng giấy hoặc thậm chí bằng cả hình thức giấy và điện tử.
Cũng theo đại diện AmCham Hà Nội, chuỗi cung ứng cũng cần phải tương thích với chính sách thuế toàn cầu. Việt Nam nên áp dụng các chuẩn mực toàn cầu về kế toán, kiểm toán, về chuyển giá và áp dụng các thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được Quốc hội thông qua. Song hiện nay, rất nhiều công ty phải đối mặt với các chính sách thuế không minh bạch, khó lường, thường là ở cấp cục thuế thành phố hoặc cấp tỉnh. Chính phủ cần làm rõ những yếu tố gây cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài và mọi gánh nặng hành chính bổ sung trong dự thảo luật.
Kiến nghị về phát triển chuỗi cung ứng, ông Joseph Uddo đưa ra nhận định, Việt Nam đang có một vị trí thuận lợi để thu hút các khoản đầu tư lớn khi các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để biến cơ hội phát triển chuỗi cung ứng thành hiện thực, Việt Nam cần liên tục đánh giá lợi thế cạnh tranh của mình là gì, cùng với đó đào tạo lao động và kỹ sư, cấp phép cho lao động kỹ sư nước ngoài và có khả năng hỗ trợ các ngành công nghiệp theo chiều dọc, đặc biệt khi các công ty đang tìm cách đa dạng hoá các nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3 ra khỏi Trung Quốc.
AmCham cũng khuyến nghị, Việt Nam cần rỡ bỏ các rào cản với các khoản đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đào tạo nghề và chuyên môn để hỗ trợ phát triển các kỹ năng và năng lực quan trọng của lực lượng lao động. Chính phủ cũng cần cung cấp thêm nhiều khoản hỗ trợ cho nhà sản xuất nhỏ và vừa, bởi các công ty này tuy rất nhỏ lẻ với vốn thấp nhưng lại là một phần thiết yếu của ngành công nghiệp hỗ trợ, đóng góp vào phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam.