Doanh nghiệp sẵn sàng trên cuộc đua thị trường các-bon hướng tới phát triển bền vững Chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chậm so với tiềm năng |
Tại Phiên thảo luận 2, Hội thảo Phát huy và nâng cao hiệu quả nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 23/8, ông Thân Đức Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty May 10-CTCP - cho hay, ngành dệt may Việt Nam có khoảng 7.000 doanh nghiệp, 80% năng lực sản xuất của ngành dành cho xuất khẩu. Năm 2024 với những tín hiệu phục hồi rõ nét, mục tiêu đạt 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành là khả thi.
Thách thức lớn nhất ngành đang phải đối mặt liên quan đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và các quy định liên quan tại những thị trường xuất khẩu lớn. “Thị trường châu Âu hiện có 11 yêu cầu liên quan đến sản xuất xanh như: Chỉ thị về khung chất thải, Chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững, Thẩm định về tính bền vững của doanh nghiệp, Thiết kế sinh thái cho sản phẩm, Lệnh cấm hủy hàng tồn kho, Lệnh cấm tẩy xanh…”, ông Việt ví dụ.
Ông Thân Đức Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty May 10-CTCP. Ảnh: Vneconomy |
Câu hỏi đặt ra với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là có đáp ứng được không, kể cả doanh nghiệp lớn, nếu không đáp ứng được, doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng. Cùng đó, doanh nghiệp còn đối mặt với chuyển đổi năng lượng xanh, sử dụng nguyên liệu sạch, nguyên liệu tái chế.
Ông Việt cũng cho hay, tất cả những vấn đề vừa nêu liên quan đến nguồn lực thực hiện. “Chúng tôi nghe rất nhiều đến tài chính xanh nhưng chưa vay được đồng nào từ nguồn này, doanh nghiệp hoặc sử dụng vốn tự có hoặc vay nguồn lực từ bên ngoài, chứ chưa huy động được ở trong nước”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Chuyển đổi xanh là vấn đề cấp thiết hiện nay, bởi với ngành dệt may không chuyển đổi đồng nghĩa với không có đơn hàng, do vậy, ông Việt đề nghị, Chính phủ cần thành lập Quỹ chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư chuyển đổi trong sản xuất. Cùng đó, tuyên truyền mạnh mẽ hơn, để doanh nghiệp có cái nhìn thấu đáo về chuyển đổi xanh. Đặc biệt, cần làm rõ tiêu chí xanh để các địa phương thay đổi nhận thức, bỏ cái nhìn không thiện cảm với ngành dệt nhuộm hoàn tất.
Đồng tình với quan điểm cần có Quỹ chuyển đổi xanh, bà Nguyễn Quỳnh Chi - Giám đốc Quốc gia về tài chính bền vững, Ngân hàng MUFG - bày tỏ, chuyển đổi xanh là câu chuyện tập thể, không phải là của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Doanh nghiệp mong chờ Chính phủ có những hành động thiết thực hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc này để sản phẩm cuối cùng tới người tiêu dùng không phải chấp nhận một chi phí quá cao.
“Cần xây dựng được Quỹ chuyển đổi xanh để các tổ chức tín dụng chung tay cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh”, bà Chi đề xuất.
Hội thảo Phát huy và nâng cao hiệu quả nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới. Ảnh: Vneconomy |
Cũng theo đại diện Ngân hàng MUFG, nhận thức về chuyển đổi xanh trong cộng đồng doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân những năm gần đây có sự thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực. Để thuận lợi chuyển hóa từ nhận thức thành hành động, cộng đồng doanh nghiệp, nay cả với các tổ chức tín dụng cũng mong chờ tiêu chí phân loại xanh được ban hành. “Chúng tôi phải sử dụng các tiêu chuẩn xanh của quốc tế và mỗi lần báo cáo, mỗi doanh nghiệp, ngân hàng lại tuân thủ theo tiêu chuẩn riêng”, bà Chi nói.
Tín dụng xanh cho chuyển đổi xanh được bàn thảo nhiều trong thời gian gần đây, tuy nhiên theo phản ánh của nhiều tổ chức tín dụng, vẫn còn thiếu khung pháp lý và chưa có quy định cụ thể với từng ngành nghề. Do vậy, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam vẫn đang áp dụng theo tiêu chuẩn tín dụng xanh của các tổ chức tài chính quốc tế mà giải ngân thông qua hệ thống tín dụng của Việt Nam. Điều này rất khó khăn.
Trước phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - thông tin, bộ tiêu chí xanh hiện đã hoàn thành nội dung và đã trình Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt ban hành. Chỉ riêng nội dung liên quan đến xác nhận xanh đang có ý kiến khác nhau giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, hiện đã được giao cho bên độc lập đánh giá nội dung này.
“Tiêu chí xanh của Việt Nam được xây dựng hài hoà với quy định xanh của thế giới bao gồm cả EU, khu vực ASEAN… Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan sẽ nhanh chóng ban hành bộ tiêu chí xanh này để ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế vận dụng”, ông Thọ cho hay.