Longform | Tự hào những thương hiệu Việt Nam vươn tầm thế giới Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu với doanh nghiệp Việt |
Đây là những thông tin được các doanh nhân, doanh nghiệp chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề “Định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên truyền thông toàn cầu”, diễn ra chiều 27/1 tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo TS. Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH), định vị thương hiệu là câu chuyện sống còn của doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa. Định vị thương hiệu là một quá trình cần được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu và được thực hiện liên tục trong các chặng đường phát triển của doanh nghiệp.
Trong không gian số ngày nay, khách hàng không chỉ giới hạn ở một khu vực địa lý mà ở toàn thế giới, đặt ra cho doanh nghiệp bài toán về cách tiếp cận thị trường và phát triển thương hiệu.
Các diễn giả trao đổi kinh nghiệm định vị thương hiệu doanh nghiệp trên truyền thông toàn cầu |
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ phát triển thương hiệu doanh nghiệp, TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty RYNAN Holdings JSC, Chủ tịch HĐQT MyLan Group - cho biết, doanh nghiệp muốn truyền thông hiệu quả, trước hết cần có sản phẩm tốt, chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
Ông cũng nhấn mạnh: Tại Việt Nam, các kênh báo chí, truyền thông, đặc biệt là kênh truyền thông chính thống của Chính phủ đã quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển thương hiệu trong nước và trong kiều bào Việt Nam tại nước ngoài.
Còn theo doanh nhân Dương Chí Kiên - Tổng giám đốc Golden Age Group (tại Liên bang Nga), các doanh nghiệp Việt Nam trên thế giới luôn đoàn kết, đồng lòng để vượt qua khó khăn.
Minh chứng về câu chuyện doanh nghiệp Việt tại Nga, ông cho biết, thời điểm trước năm 2014 các doanh nghiệp kinh doanh tại Nga rất thuận lợi và đạt nhiều thành công. Tuy vậy sau năm 2014, việc kinh doanh khó khăn hơn, buộc cộng đồng người Việt ở Nga phải thay đổi. “Cộng đồng người Việt chúng tôi tại Nga đã đoàn kết bảo nhau và người này có thể sử dụng dịch vụ của người kia. Quan trọng hơn, chúng tôi đã nhận định thức thời để nắm bắt thời cơ, nhanh chóng thực hiện ý định kinh doanh của mình”- ông Kiên cho biết.
Cũng theo ông Kiên, để định vị thương hiệu Việt trên truyền thông ở nước sở tại, trước tiên doanh nghiệp phải hỗ trợ cộng đồng, làm việc với chính quyền sở tại. Bởi đây cũng là cách quảng bá, truyền thông, để nước sở tại thấy doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm tại đây, thấy doanh nghiệp có sản phẩm tốt và nộp thuế đầy đủ. Thông qua cách này, doanh nghiệp Việt đã góp phần to lớn trong việc lan tỏa thương hiệu Việt trên thế giới.
Tọa đàm “Định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên truyền thông toàn cầu” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) và Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP. Hồ Chí Minh) tổ chức.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028 của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 27/1/2024.
Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (tên tiếng Anh là BAOOV) được thành lập theo Quyết định 273/2009/QĐ-BNV ngày 13/3/2009 của Bộ Nội vụ. Hiệp hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với mục đích “hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức của doanh nhân trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Từ năm 2009 đến nay, trải qua 3 kỳ Đại hội, Hiệp hội đã xây dựng được mạng lưới hội viên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, ngày càng lớn mạnh, thực sự là trung tâm đoàn kết các hội, chi hội doanh nhân Việt Nam trên toàn thế giới, là cầu nối hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư giữa các doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài; các doanh nghiêp, đối tác nước ngoài với các doanh nghiệp, doanh nhân trong nước; là “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.