Doanh nghiệp ngành điều và nông dân chưa "bắt tay" liên kết
- đầu tư cho điều chi phí lớn mà giá bán nguyên liệu (điều thô) lại liên tục giảm, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt nên năm nay giá điều giảm chỉ còn 23.000 đ/kg, bằng hơn nửa so với giá năm trước. Vì thế, tình trạng chặt phá điều đang trở nên đáng lo ngại, vì đây là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh.
Theo số liệu thống kê của các địa phương trồng điều cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng diện tích cây điều đang cho hạt tiếp tục giảm 5% (khoảng hơn 15.000 ha nữa bị chặt phá) so với cùng kỳ năm 2011. Thêm vào đó, do năng suất cây điều giảm mạnh, nên sản lượng điều niên vụ này đã giảm hơn 10% so với năm trước, chỉ đạt gần 265.000 tấn.
Để có điều xuất khẩu các doanh nghiệp chế biến đã tìm nguồn điều thô từ nước ngoài nhập khẩu về bù đắp cho số lượng điều trong nước bị thiếu hụt. Theo một số chuyên gia trong ngành, hơn 50% nguồn nguyên liệu điều thô dùng để chế biến tại Việt Nam đều được nhập khẩu. Tỉ lệ này có xu hướng tăng trong thời gian tới do diện tích điều trong nước ngày càng thu hẹp.
Nguyên nhân nông dân chặt phá vườn điều trước hết là ngành điều chưa có quy hoạch, do dân mạnh ai nấy trồng. Thứ hai là hầu như chẳng có doanh nghiệp nào đầu tư cho nông dân để phát triển vùng nguyên liệu. Có nghĩa là chưa có sự gắn kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp!
Tới vụ thu hoạch điều, doanh nghiệp chế biến mới đến thu mua, Nếu thấy giá bán cao hơn giá nhập khẩu thì doanh nghiệp “chào” rồi đi luôn, họ tính toán nhập điều thô về chế biến còn lợi hơn nhiều. Nhiều doanh nghiệp mua điều thông qua các thương lái hoặc nhà chế biến nhỏ chứ không mua trực tiếp của dân, do vậy nông dân thường xuyên bị thương lái ép giá. Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi người trồng điều đang phá bỏ cây trồng mà họ gắn bó nhiều năm qua.
Cái gì đến rồi sẽ đến! Thiếu nguyên liệu, sản xuất đã hiện hữu, doanh nghiệp chế biến nhân điều xuất khẩu ngày càng phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu. Theo dự tính của Hiệp hội cây điều Việt Nam, sản lượng điều trong nước năm 2012 đạt 300.000 tấn. Cộng với 200.000 tấn tồn kho của năm 2011 thì các doanh nghiệp chế biến điều phải nhập khẩu thêm 300.000 tấn mới đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, do mất mùa nên sản lượng điều thực tế chỉ đạt trên 265.000 tấn, nên số lượng điều thô nhập khẩu đã được điều chỉnh lên 400.000 tấn.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết tính đến ngày giữa tháng 8, điều thô được nhập khẩu vào Việt Nam qua đường chính ngạch đã lên tới con số xấp xỉ 215.000 tấn. Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Đồng Nai khẳng định con số trên chưa phản ánh đúng thực tế tình hình nhập khẩu và chế biến hạt điều thô trong nước, vì đã có một lượng hạt điều thô được nhập khẩu vào Việt Nam từ cuối năm 2011 về nằm tại các kho ngoại quan, đến đầu năm 2012 mới được đưa về để sản xuất.
Vì sao nhà nông và nhà doanh nghiệp ngành điều chưa gắn kết, chưa tạo sự hỗ trợ lẫn nhau khi “trái gió, trở trời”, theo một cán bộ Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước đó là do thực tế vẫn là kiểu “đường ai nấy đi” nhà nông thì chưa có tổ chức, hay hội phường nào, còn doanh nghiệp thì có tổ chức hiệp hội nhưng hiệp hội mới chỉ là hiệp hội của những nhà chế biến xuất khẩu chứ không phải là của người trồng điều nên tổ chức này thực tế chẳng quan tâm đến chuyện liên kết hay hỗ trợ nông dân trồng điều!
Ông Nguyễn Văn Tới- Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước- cho biết, khó kiểm soát việc nông dân chặt điều chuyển qua trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Để hạn chế việc phá bỏ vườn điều hiện Sở NN&PTNT Bình Phước đang khuyến cáo nông dân trồng xen cây ca cao trong vườn điều nhằm giữ diện tích điều.
Ông Nguyễn Đức Thanh- Phó chủ tịch Hiệp hội cây điều Việt Nam- cho biết: hiện hiệp hội đang lên một chương trình liên kết doanh nghiệp với người dân để giữ diện tích và sản lượng điều trong nước. Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng nên còn phải xây dựng và lấy ý kiến trước khi đưa vào thực tế.
Kim Hiền