Mới tổ chức sản xuất trở lại được khoảng hơn 2 tháng, sau thời gian doanh nghiệp buộc phải tạm dừng để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, Công ty CP TCT May Bắc Giang BGG đang đẩy nhanh tối đa tiến độ sản xuất để đảm bảo thời gian giao hàng. Tuy nhiên, tình trạng ách tắc trong khâu vận chuyển cả hàng đi và hàng đến đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch của doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Phó Tổng giám đốc Công ty CP TCT May Bắc Giang BGG - cho biết: Từ đầu tuần vừa qua, đơn vị vận chuyển của doanh nghiệp không đáp ứng về việc lấy hàng, nhập hàng, nguyên do là những bất cập trong việc xét nghiệm cũng như chấp nhận hiệu lực của giấy xét nghiệm PCR và xét nghiệm nhanh để được phép di chuyển xe container.
Cụ thể, với xét nghiệm PCR tại Hải Phòng, mất từ 1,5-2 ngày kể từ khi lấy mẫu mới có kết quả, trong khi chỉ có hiệu lực trong vòng 3 ngày. Như vậy, tài xế chỉ còn 1-1,5 ngày chạy xe container từ Hải Phòng qua Hải Dương để sang Bắc Giang lấy hàng, hiệu quả kinh tế rất thấp trong chi phí xét nghiệm lên tới 720.000 đồng/lần. Thời gian được sử dụng kết quả xét nghiệm PCR cũng quá ngắn khiến đơn vị vận tải không thể xoay xở, vận chuyển hàng đảm bảo theo kế hoạch.
Nhiều doanh nghiệp ngành may đang chấp nhận sản xuất thu không đủ bù chi |
Trước khó khăn trên, đơn vị vận chuyển đã chuyển sang làm xét nghiệm nhanh cho tài xế với mức phí chỉ hơn 230.000 đồng/lần, kết quả có hiệu lực trong 24 giờ. Tuy nhiên, do tình trạng quá tải của các cơ sở được phép xét nghiệm nhanh, thời gian chờ đợi lấy mẫu và kết quả mất 2-3 tiếng, thậm chí nửa ngày, như vậy, lái xe cũng chỉ còn nửa ngày để di chuyển container đến nơi giao, nhận. Đáng nói, các chốt kiểm soát ở mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau trong chấp nhận hiệu lực của kết quả xét nghiệm nhanh. Đơn cử, trong ngày 24/7, tại chốt Tiền Trung (từ quốc lộ 5 cũ sang quốc lộ 37 đi Bắc Giang) yêu cầu kết quả xét nghiệm nhanh chỉ có hiệu lực trong ngày, trong khi tại chốt Phả Lại chấp nhận kết quả này trong vòng 24 giờ.
“Tình trạng ách tắc trong giao, nhận khiến kế hoạch sản xuất của công ty không đảm bảo, hàng không xuất được trong khi trước đó doanh nghiệp đã phải giãn thời gian giao hàng với đối tác. Nguy cơ phải trả chi phí giao hàng bằng máy bay theo yêu cầu của khách là rất cao, thậm chí có nguy cơ huỷ đơn hàng”, bà Thuỷ lo lắng. Không những hàng xuất bị chậm, theo lãnh đạo BGG, hàng nhập về cũng không có, thiếu nguyên phụ liệu để sản xuất dẫn đến sản xuất đứt quãng và ngừng sản xuất.
“Để giữ đơn hàng, duy trì việc làm cho người lao động, chúng tôi mở lại sản xuất dù thu không đủ bù chi. Tuy nhiên với tình trạng đội chi phí, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất như hiện nay doanh nghiệp khó mà cầm cự”, lãnh đạo BGG nói.
Theo cân đối thu - chi của BGG, tháng 4, tháng 5, doanh nghiệp bị lỗ, tháng 6 xấp xỉ hoà vốn, tháng 7, 8, 9 dù đang là mùa chính vụ nhưng với nhiều điểm bất lợi như hiện nay, lợi nhuận thu về chưa chắc đã đủ bù chi phí cho những tháng đầu năm. Tháng 10, 11, 12, doanh nghiệp chưa nhận đủ đơn hàng cho sản xuất. Lãnh đạo BGG cũng đang rất lo lắng về hoạt động của doanh nghiệp trong mùa thấp vụ sắp tới khi mà đơn hàng ít, giá rất thấp.
Cùng chung hiện trạng với BGG, đại diện một doanh nghiệp may khác cũng bày tỏ: Các doanh nghiệp may đang bị ảnh hưởng rất nhiều vì dịch bệnh, sản xuất không hiệu quả, phát sinh hàng loạt chi phí. Trong khi đó, việc thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ mỗi địa phương mỗi khác khiến doanh nghiệp không xoay sở kịp. Khả năng chậm trễ và bồi thường đơn hàng giao không kịp là chắc chắn, bên cạnh đó tạo ra tâm lý e ngại cũng như định hướng tìm nhà sản xuất mới cho đối tác, thiệt hại là không thể đo lường nổi.
Các doanh nghiệp ngành may, nhất là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đang thực sự rất khó khăn. “Trăm dâu đổ đầu tằm” là hình dung khá đúng với các doanh nghiệp trước rất nhiều khó khăn đang phải đối mặt. Trước đó, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - từng thông tin: “Đơn hàng có dấu hiệu di chuyển ra khỏi Việt Nam”. Và với tình hình dịch bệnh bùng mạnh ở cả khu vực phía Bắc và phía Nam, dấu hiệu này sẽ dần rõ nét, nguy cơ đứt gẫy chuỗi sản xuất, mất vị trí trong chuỗi cung ứng đã hiển hiện.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là tình trạng ách tắc trong vận tải hàng hoá, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang lấy ý kiến, xây dựng văn bản nhằm kiến nghị giải pháp tháo gỡ, giải toả một phần trở ngại cho doanh nghiệp. Hy vọng, các đơn vị chức năng sớm có giải pháp, trợ sức cho doanh nghiệp dệt may từng bước vượt qua khó khăn thời điểm hiện tại.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)