Theo thống kê mới nhất, cả nước hiện có trên 500.000 DNNVV, chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp. Các DNNVV không chỉ đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn giúp tạo ra hơn một triệu việc làm mới mỗi năm đặc biệt là nguồn lao động chưa qua đào tạo; góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội…
- Nhìn lại một nhiệm kỳ qua (2005-2010), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
Trong nhiệm kỳ I, Hiệp hội hoạt động trong điều kiện có rất nhiều khó khăn. Hiệp hội ra đời trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, do đó, các DN đặc biệt là các DNNVV ngoài sự bươn chãi phát triển thị trường trong nước còn phải tính tới việc mở ra nước ngoài, hội nhập theo tiêu chuẩn quốc tế. Là Hiệp hội mới thành lập nên kinh nghiệm chưa nhiều, kinh phí còn hạn chế và mạng lưới còn chưa phát triển được bao nhiêu.
Tuy nhiên, có một thuận lợi rất lớn là, Hiệp hội ra đời trong bối cảnh nhiều luật lệ đối với các DN đặc biệt là với DNNVV hình thành và có nhiều chính sách công bố được thực hiện, cho nên đã tạo môi trường pháp lý, tạo yếu tố cơ bản cho hoạt động của DN phát triển rất tốt.
Vì lẽ đó, trong 5 qua, Hiệp hội đã đạt được những thành tựu quan trọng: phát triển được mô hình tổ chức tương đối nhanh kể cả trong và ngoài nước (hơn 40 tổ chức và một số văn phòng ở nước ngoài); đã tổ chức được nội dung hoạt động mang 4 lĩnh vực: Giúp DN hiểu biết được môi trường luật lệ yếu tố kinh doanh trong thương trường, thị trường và hội nhập; Tạo điều kiện cho các DN áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình mới thông qua các cuộc trao đổi kinh nghiệm, hội thảo, triển lãm...; Giúp cho các DN tạo các nghề quản lý kể cả tác nghiệp của người lao động theo sở trường sở đoản trong từng ngành nghề; Thông qua hoạt động của mình, Hội là cầu nối, là nơi phản ánh phát hiện kiến nghị những vấn đề khó khăn của DN và là nơi truyền đạt những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Từ việc triển khai và thực hiện 4 lĩnh vực này mà trong nhiệm kỳ I, Hiệp hội đã tạo được vị trí mới trong xã hội, trong cộng đồng và khẳng định vai trò đối với cấp lãnh đạo và cấp quản lý và giúp cho DN có nhiều thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, không thể không nói tới sự cố gắng của chính bản thân các DN đã giúp cho các DNNVV Việt Nam hiện nay có một vị thế tốt trong kinh tế xã hội nhất là trong việc đóng góp vào ngân sách, sử dụng lao động, tạo yếu tố ổn định cho xã hội như xoá đói giảm nghèo,…
Một số định hướng hoạt động của Hiệp hội tại nhiệm kỳ II: Chú trọng phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị đề xuất vào các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; Hỗ trợ doanh nghiệp có nhiều điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin thị trường, các nguồn vốn tín dụng, xúc tiến thương mại, đào tại phát triển nguồn nhân lực; Củng cố và phát triển tổ chức của Hiệp hội rộng khắp 63 tỉnh/thành phố trong toàn quốc, xây dựng đội ngũ cán bộ Hiệp hội đoàn kết, đóng góp công sức cho sự nghiệp phát triển doanh nghiệp bền vững cả về chiều sâu và chiều rộng…
Sáng 5/1, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức họp báo về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Hiệp hội
- Theo đánh giá của ông, năm 2011 các DN Việt Nam mà đặc biệt là các DNNVV sẽ có khó khăn và thuận lợi gì?
Năm 2011 lại là năm thách thức mới cho các DNNVV. Nền kinh tế đã có những chuyển biến mới và có bước đổi mới tương đối tốt nhưng cũng có những tồn tại rất lớn nhất là các vấn đề về kinh tế hạ tầng, vấn đề kinh tế vĩ mô, vấn đề thể chế, chất lượng nguồn lực, thủ tục hành chính… và tất cả đều dồn cho DNNVV một hệ thống là yếu thế trong cạnh tranh, khả năng tiếp thu tiếp cận và khả năng đáp ứng trong cơ chế thị trường yếu hơn so với các DN khác. Thêm vào đó, năm 2011, DNNVV phải chống đỡ với lạm phát, hậu lạm phát do có độ trượt từ năm 2010 sang. Hơn thế nữa, đối với nước ta thì chịu ảnh hưởng từ hậu quả của thiên tai dịch bệnh bão lũ rình rập thường xuyên sẽ chuyển sang năm 2011 và đây cũng là thử thách rất lớn đối với DNNVV.
Bên cạnh đó, bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng phát sinh những yếu tố mới như việc phát triển không đều, việc có những mâu thuẫn mới nhất là mâu thuẫn trong tiền tệ và thương mại.
Trước tình hình đó, hệ thống DNNVV cũng phải có sự chuyển biến để có những thích nghi thông qua nỗ lực của bản thân DN, đóng góp của Hiệp hội và những hỗ trợ về mặt chính sách của cơ quan quản lý…Tôi tin chắc chắn rằng, các DN sẽ có đóng góp tốt hơn và thành công hơn nữa trong năm tới.
- Vấn đề lớn nhất của các DNNVV hiện nay là tiếp cận nguồn vốn vay. Vậy, theo ông, các DN này phải làm thế nào để cải thiện được tình hình này và vai trò của Hiệp hội phải được thể hiện ra sao để giúp các DN?
Tiếp cận nguồn vốn phải giải quyết ở cả 3 mặt: thứ nhất, đó là phải có sự vươn lên tự tháo gỡ và thích nghi với tình hình của doanh nghiệp. Ngân hàng hiện nay cho các DN vay với những điều kiện cụ thể, các DN muốn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thì bản thân cũng phải xây dựng kế hoạch kinh doanh hợp lý phù hợp để được xét tới vay vốn.
Thứ hai, phải có sự hỗ trợ của cộng đồng giúp đỡ các DN bằng cách trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau sản xuất tốt hơn. Trong thời gian qua, Hiệp hội cũng đã tạo điều kiện để các DN có cơ hội trao đổi kinh nghiệm thông qua các hoạt động hội thảo, triển lãm...
Thứ ba, cần sự hỗ trợ rất tích cực kịp thời của Nhà nước, cơ quan chức năng, Chính phủ cả về cơ chế, chính sách, vốn, công nghệ và điều kiện kinh doanh…
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Hiệp hội DNNVV sẽ được tổ chức trong hai ngày 10 và 11/1/2011 tại Hà Nội, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành, một số tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và 350 đại biểu đại diện cho cộng đồng DNNVV trong toàn quốc. Chủ đề của Đại hội được xác định là “Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đoàn kết, năng động và sáng tạo, vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước”. Hiệp hội chỉ mới hoạt động được 5 năm, ngày đầu mới thành lập chỉ có 300 hội viên, đến nay, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tập hợp được tới 20.000 hội viên và là một trong những hiệp hội có số lượng hội viên đông đảo nhất nước, có mạng lưới ở 41 tỉnh thành (nhiều tỉnh hội có hội cấp quận, huyện, xã; chi hội ngành hàng, làng nghề…); 4 chi nhánh ở nước ngoài; một cơ quan ngôn luận là Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, và một Viện nghiên cứu. Dự kiến, trong 5 năm tới, Hiệp hội phấn đấu đưa số doanh nghiệp hội viên lên tới 100.000. |