Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng ấn tượng
Đến thời điểm hiện tại, các địa phương miền Trung - Tây Nguyên đã đạt đà tăng trưởng xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ 2021.
Kim ngạch xuất khẩu các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh |
Đại diện Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, do nhu cầu hàng hóa trên thế giới phục hồi mạnh nên tình hình xuất khẩu trên cả nước nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng đạt được kết quả rất tích cực. Kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2022 ước đạt 172 triệu USD, lũy kế 6 tháng ước đạt 1.006 triệu USD; tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của thành phố kinh doanh thuận lợi, đơn hàng dồi dào (nhất là dệt may, thủy sản). Quý II/2022, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất ổn định trở lại, nhiều doanh nghiệp phải tăng tốc để kịp sản xuất đáp ứng đơn hàng. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là vấn đề chi phí đầu vào. Do tác động của dịch Covid-19, xung đột giữa các nước trên thế giới làm tăng các loại chi phí như: xăng dầu, cước vận tải, logistics, giá nguyên phụ liệu... Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn cố gắng khắc phục để đảm bảo đơn hàng của đối tác.
Kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố 6 tháng đầu năm 2022, cụ thể: Hàng dệt may ước đạt 272 triệu USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ 2021; thủy sản ước đạt 120,6 triệu USD, tăng 20,6%; thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ ước đạt 12 triệu USD, tăng 20%; đồ chơi trẻ em ước đạt 51 triệu USD, tăng 20,3%; cao su thành phẩm ước đạt 56,8 triệu USD, tăng 25%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 350 triệu USD, tăng 21,5%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước đạt 125 triệu USD; lũy kế 6 tháng ước đạt 695 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại tỉnh Kon Tum, ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 148 triệu USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2,45 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: Cao su thô, cao su tổng hợp, dây thun khoanh, cà phê nhân, cà phê bột, tinh bột sắn, bàn ghế gỗ các loại. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: hóa chất, chất dẻo nguyên liệu.
Các doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên được hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực thực thi |
Tương tự tỉnh Gia Lai cũng đạt tăng trưởng ấn tượng trong xuất khẩu. “Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 420 triệu USD, đạt 63,6% kế hoạch, tăng 33,3% so với cùng kỳ”, ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cà phê, cao su tăng cả về lượng và giá trị. Cụ thể, cà phê: 158.000 tấn/318 triệu USD, tăng 21,54% về lượng, tăng 47,91% về giá trị; mủ cao su: 1.226 tấn/2 triệu USD, giảm 18,3% về lượng, giảm 7% về giá trị; sản phẩm gỗ: 1,8 triệu USD tương đương cùng kỳ; hàng khác đạt 98 triệu USD tăng 2,25%.
“Dấu ấn” của các FTA trong đẩy mạnh xuất khẩu
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của giá vận tải biển tăng, chi phí sản xuất tăng, tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn tăng trưởng ấn tượng. Theo các doanh nghiệp, điều này có “dấu ấn” đặc biệt của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực.
Bà Mai Thị Ý Nhi - đại diện Công ty TNHH Mỹ Phương Foods (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, doanh nghiệp đã xuất khẩu được những container hàng thực phẩm theo diện C/O form JV của Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) và đang hướng đến mở rộng xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA.
“Các FTA, nổi bật là Hiệp định EVFTA, CPTPP mang lại cơ hội mở rộng thị trường rất lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Trong đó, có doanh nghiệp thủy sản. Chúng tôi có rất nhiều đối tác mới. Thậm chí chúng tôi chọn lọc để có những đối tác tốt nhất”, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước cho hay.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh có nhiều khởi sắc do các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và đi vào thực thi có hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu uy tín và tận dụng được các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang; Công ty CP Chè Biển Hồ; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai….
Các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định EVFTA, CPTPP được kỳ vọng sẽ là "lực đẩy" để giúp doanh nghiệp sản xuất miền Trung - Tây Nguyên nhanh chóng phục hồi sau dịch Covid - 19 |
Tại tỉnh Kon Tum, xuất khẩu sang thị trường các nước là thành viên CPTPP, EU và UKVFTA lần lượt là: CPTPP (10% gồm các nước Nhật, Singapore, Malaysia); EU (11% gồm Đức, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bulgaria); UKVFTA (0,3% Anh). Tuy nhiên, mới chỉ có 5 - 6 doanh nghiệp tận dụng và xuất khẩu sang các nước thành viên của các hiệp định này.
“Trong số các FTA đã có hiệu lực thì Hiệp định CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ tác động đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giúp mở rộng cơ hội xuất khẩu, từ đó góp phần thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh”, ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho hay.
Trong kế hoạch xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Quảng Nam định hướng tập trung thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA thông qua các ưu đãi thuế quan. Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu.
"Quảng Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này các nhóm hàng gia công xuất khẩu như máy móc, linh kiện điện tử, dệt may, da giày và nông sản", ông Bửu nói và cho biết thêm, để tận dụng được EVFTA doanh nghiệp giao thương với thị trường EU cần thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, kể cả quy cách đóng gói, bao bì, thông tin sản phẩm; tuân thủ các yêu cầu về cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thông tin, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa", ông Bửu nhấn mạnh.
Ngoài ra, Quảng Nam còn chú trọng đến thị trường các nước thành viên mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương để tận dụng lợi thể, đẩy mạnh xuất khẩu.