Ổn định, tăng tốc sản xuất
Dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp sản xuất khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang nỗ lực khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, tận dụng các cơ hội để “tăng tốc” phục hồi.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Công ty Hương Quế (TP. Đà Nẵng) cho biết, hiện các đơn hàng của doanh nghiệp về cơ bản đã phục hồi gồm cả đơn hàng trong nước và đơn xuất khẩu. “Du lịch khôi phục tích cực, các khu du lịch, resort đều đã hoạt động trở lại nên đơn hàng trong nước đang tăng dần. Chúng tôi cũng tìm được nhiều đối tác tốt trong xuất khẩu”, ông Sơn chia sẻ.
Các doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên đang dần ổn định sản xuất, tận dụng các cơ hội để "tăng tốc" phát triển |
Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) năm 2022 dự kiến sẽ kết thúc mùa hàng với doanh số 4 triệu USD (mùa hàng từ ngày 1/10/2021 - 30/9/2022) tăng mạnh so với năm 2021 (gần 3 triệu USD). “Chúng tôi mới đầu tư mới hệ thống máy móc phun sơn trị giá hơn 2 tỷ đồng và dự kiến mở rộng nhà xưởng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của đơn hàng”, ông Huỳnh Trinh - Giám đốc Công ty chia sẻ và cho biết, đến thời điểm hiện tại công ty đã cơ bản ổn định lại sản xuất như trước dịch Covid-19.
Đại diện THACO (Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết, dự kiến năm 2022, tổng sản lượng hàng hóa đạt trên 4,5 triệu tấn; dự kiến nộp ngân sách hơn 33.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2021 (hơn 20.500 tỷ đồng). Trong năm 2022, doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng vào các mảng công nghiệp, nông nghiệp, logistics, hạ tầng thương mại. Đồng thời phát triển thêm hệ thống các showroom trên toàn quốc.
Sự phục hồi của các doanh nghiệp thể hiện rõ qua chỉ số sản xuất công nghiệp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tăng trưởng mạnh.
Nổi bật, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tỉnh Đắk Lắk 5 tháng đầu năm 2022 tăng tới 44,68% so với cùng kỳ năm 2021. Một số ngành sản phẩm có mức tăng mạnh như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, tăng 117,36%; sửa chữa bảo dưỡng lắp đặt máy móc thiết bị, tăng 102,95%; ngành sản xuất đồ uống, tăng 21,51%; dệt, tăng 24,60%; sản xuất kim loại tăng 31,22%; sản xuất giường tủ, bàn, ghế, tăng 83,06%, sản phẩm bàn bằng gỗ các loại, tăng 92,63%....
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên 5 tháng đầu năm 2022 đồng loạt tăng |
IIP tỉnh Quảng Nam 5 tháng đầu năm 2022 cũng tăng tới 21,77% so cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp tiếp tục có chỉ số sản xuất tăng cao góp phần làm cho chỉ số sản xuất chung toàn ngành tăng so với cùng kỳ như: khai khoáng khác, sản xuất đồ uống, sản xuất trang phục, sản xuất da, sản xuất xe có động cơ…
IIP các địa phương khác của miền Trung - Tây Nguyên đồng loạt tăng trưởng như Quảng Ngãi tăng 6,03%; Bình Định tăng 8,3%; Đắk Nông tăng 7,77%; Gia Lai tăng 11,8%; Đà Nẵng tăng 3%...
Đưa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vào thực tiễn hiệu quả
Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, sớm ổn định sản xuất sau dịch Covid-19, Chính phủ, các Bộ ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang triển khai đưa các chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễn.
Ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh đã triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ của Trung ương đến doanh nghiệp như chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ; chính sách áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 5% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP…. “Những chính sách đi vào thực tiễn phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại tỉnh Kon Tum giảm bớt khó khăn, sớm ổn định sản xuất”, ông Nhất nói.
Các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương đi vào thực tiễn giúp giảm một phần gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên |
Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, ngoài triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành, Sở Công Thương tỉnh còn thường xuyên nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi. Xây dựng các chương trình, kế hoạch lớn để định hướng cho việc phát triển Công Thương tỉnh Gia Lai dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến.
Tại TP. Đà Nẵng, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư thành phố cho biết, hiện thành phố đang triển khai 15 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, đối với chính sách hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển, UBND thành phố dự kiến sẽ trình HĐND thành phố xem xét thông qua vào kỳ họp HĐND thành phố sắp tới (tháng 7/2022).
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Đà Nẵng, việc triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đạt những kết quả nhất định, hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giảm bớt khó khăn. Trong đó, các chính sách của Trung ương đã giúp cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 9.000 doanh nghiệp Đà Nẵng với tổng số tiền hơn 20.000 tỷ đồng; giá trị nợ đã được giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là hơn 3.815 tỷ đồng với số lãi giảm 20 tỷ đồng. Ngoài ra còn các chính sách về giảm giá điện, nước.
Bên cạnh các chính sách của Trung ương, TP. Đà Nẵng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ riêng như hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra còn chính sách miễn giảm tiền sử dụng hạ tầng, hỗ trợ tiền sử dụng dịch vụ diện tích bán hàng cho các tiểu thương toàn thành phố; hỗ trợ miễn tiền nước với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Đề án thu hút đầu tư Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025 cũng đang được xem xét ban hành trong đó có những chính sách ưu đãi hỗ trợ giá thuê đất.
Khoảng hơn 9.000 doanh nghiệp TP. Đà Nẵng đã được thụ hưởng các hỗ trợ tín dụng (cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi, phí...). Ảnh minh họa |
Đối với ngành Công Thương TP. Đà Nẵng, bà Lê Thị Kim Phương cho biết, hiện Sở đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản phẩm như đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tư vấn thiết kế bao bì/nhãn sản phẩm; xây dựng trang thông tin và in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ tham gia gian hàng trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng....
“Ngày 30/01/2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Sở Công Thương sẽ kiến nghị UBND thành phố có ý kiến với Chính phủ, Bộ Công Thương sớm có chủ trương tiếp tục hỗ trợ giá điện, tiền điện cho doanh nghiệp, người dân theo Nghị quyết số 11/NQ-CP”, bà Phương cho hay.