C.P Group - mô hình thành công của đầu tư Thái Lan tại Việt Nam |
Đối với các nhà đầu tư Thái Lan, AEC được coi là cơ hội để thâm nhập sâu vào khu vực, đặc biệt tại Việt Nam - thị trường đang phát triển đầy tiềm năng. Thị trường Việt Nam cũng được coi như “bàn đạp” để DN Thái Lan đẩy mạnh kinh doanh sang các thị trường khác. Những yếu tố trên khiến đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam thời gian gần đây gia tăng nhanh, trở thành điểm sáng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 10/2015, Thái Lan đã lọt vào top 10 các nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với 406 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 7 tỷ USD, chiếm 2,58% tổng số vốn đăng ký nước ngoài vào Việt Nam. Thái Lan cũng là nước đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN sau Singapore và Malaysia đầu tư vào Việt Nam. Thông qua cả hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp, DN Thái Lan đang dần hiện diện đáng kể trong nền kinh tế Việt Nam. Những cái tên nổi bật nhất có thể kể đến như: C.P Group, nhóm TCC Holdings/Berli Jucker (BJC) và SCG – các doanh nghiệp này đều đã hiện diện tại Việt Nam rất lâu, đầu tư hàng trăm triệu USD vào nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong lĩnh vực bán lẻ, Berli Jucker thuộc ThaiBev của tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An, qua đó, kiểm soát 99% cổ phần của Phú Thái Group. BJC của Thái Lan cũng đã mua lại Metro Vietnam; Central Group thông qua Power Buy đã mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim…
Trong lĩnh vực công nghiệp, SCG của Thái Lan đã thâu tóm Công ty gạch Prime, thông qua The Nawaplastic Industries. SCG cũng sở hữu hơn 20,4% cổ phần tại Công ty Cổ phần nhựa Bình Minh và 23,84% cổ phần tại Công ty Cổ phần nhựa Tiền Phong.
Theo ông Duangdej Yuaikwarmdee, Phó giám đốc Công ty Reed Tradex – Công ty chuyên tổ chức triển lãm công nghiệp tại Thái Lan, AEC sẽ tạo ra sự dịch chuyển đầu tư trong khu vực do các DN sẽ chọn địa điểm sản xuất có chi phí thấp hơn. Về yếu tố này, Việt Nam đang có chi phí lao động thấp hơn Thái Lan khá nhiều, chưa kể mức lương ở Thái Lan cũng đang tăng nhanh. Vì vậy, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để DN Thái Lan tiếp tục đầu tư.
Bà Usa Wijarurn - Tham tán thương mại Thái Lan tại Việt Nam - cho biết: Việt Nam có những lợi thế về thị trường như dân số đông, đa phần là dân số trẻ với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế đang phát triển được đánh giá năng động trong khu vực ASEAN - thị trường đáng mơ ước và thu hút đối với bất kỳ đối tác nào. Năm nay, DN Thái Lan cũng đặt mục tiêu tiếp tục tìm hiểu thêm thị trường và tìm cơ hội kinh doanh tốt hơn tại Việt Nam.
Bà Usa Wijarurn - Tham tán thương mại Thái Lan tại Việt Nam: Chính phủ Thái Lan luôn khuyến khích các DN đầu tư vào Việt Nam để có thể hình thành chuỗi cung ứng sản xuất cho các nước ASEAN. |