Doanh nghiệp Thái nhòm ngó dệt may Việt
Nhiều doanh nghiệp Thái Lan muốn tìm kiếm doanh nghiệp dệt may Việt Nam để thành lập công ty liên doanh
Động thái mới nhất cho thấy, các doanh nghiệp Thái Lan đang quan tâm, tìm kiếm đối tác từ Việt Nam là việc Hiệp hội Các nhà sản xuất dệt may Thái Lan (TGMA) đã đưa một đoàn doanh nghiệp ngành may mặc của nước này sang làm việc tại Việt Nam từ ngày 23/3 đến 24/3 tại Hà Nội và từ ngày 25/3 đến 26/3 tại TP.HCM. Trước đó, TGMA cũng đã đưa một đoàn doanh nghiệp Thái Lan làm việc tại TP.HCM trong tháng 8/2014.
“Trong hai lần sang Việt Nam, chúng tôi đã tổ chức 2 hội nghị lớn về ngành dệt may, giúp doanh nghiệp hai nước gặp gỡ tìm hiểu để hợp tác đầu tư”, bà Phasiree Orawattanasrikul, Phó chủ tịch Tiểu ban Thương mại và xúc tiến đầu tư của TGMA cho biết.
Theo bà Malinee Harnboonsong, Giám đốc Cục Xúc tiến thương mại quốc tế của Thái Lan, sắp tới, các doanh nghiệp dệt may của Thái Lan sẽ điều chỉnh chiến lược kinh doanh và Việt Nam được chọn nhằm bù đắp sự hạn chế của doanh nghiệp Thái Lan, khi chưa xuất khẩu được nhiều sang Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. “Việt Nam không phải là đối thủ mà là đối tác của Thái Lan, nhất là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực vào cuối năm nay”, bà Malinee Harnboonsong nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu các doanh nghiệp dệt may Thái Lan có tìm đối tác Việt Nam để tiến hành các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) như đã làm với các ngành hàng khác (bán lẻ) hay không, bà Phasiree Orawattanasrikul cho biết, đối với ngành dệt may, các doanh nghiệp Thái Lan không muốn hợp tác theo hình thức M&A, mà sẽ tìm kiếm đối tác Việt Nam để thành lập công ty liên doanh.
Về phía doanh nghiệp dệt may Việt Nam, bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May thêu giày An Phước cho biết, An Phước vẫn chưa tìm được đối tác tin cậy cung cấp vải, nên vẫn phải thông qua đối tác Nhật Bản trong suốt 22 năm qua. Tuy nhiên, bà Điền lại tỏ ra đặc biệt quan tâm đến thị trường Thái Lan, khi lặng lẽ đến tham dự buổi giới thiệu về Triển lãm May mặc sẽ diễn ra tại Bangkok vào tháng 7 tới.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, Thái Lan hiện là một trong những quốc gia hàng đầu về dệt may, nhất là khâu dệt và thiết kế. Đặc biệt, Thái Lan đã đưa ra lộ trình 20 năm nữa sẽ trở thành trung tâm thời trang của châu Á.
“Ngành dệt may của Việt Nam có quy mô lớn, nhưng không mạnh, do lệ thuộc 85% vào nguyên liệu nhập khẩu và trên 70% là sản xuất gia công. Vì vậy, sự kết hợp giữa một nước có thế mạnh về sản xuất như Việt Nam với một nước có thế mạnh về cung cấp nguyên liệu và thiết kế như Thái Lan để trở thành trung tâm dệt may ở châu Á là có cơ sở”, ông Tuấn nói.
Được biết, để thu hút các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào lĩnh vực dệt may của Việt Nam, vừa qua, Vitas đã tiến hành khảo sát lại toàn bộ ngành dệt may, trên cơ sở đó kiến nghị với Chính phủ xây dựng các khu công nghiệp dệt may tập trung với quy mô cả ngàn héc -ta. Đây là mô hình khá thành công ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, nên Chính phủ cũng ủng hộ chủ trương này và đang cho phép làm thí điểm ở Nam Định, với quy mô 1.500 ha (giai đoạn I là 600 ha đã được Chính phủ phê duyệt).
Còn tại khu vực phía Nam, Vitas cũng đang nghiên cứu xây dựng khu công nghiệp dệt may tập trung tại tỉnh Tây Ninh… Nếu việc xây dựng các khu công nghiệp tập trung này thành công, thì đây sẽ là cơ sở để Việt Nam thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư có chất lượng trong lĩnh vực dệt may, nhất là các nhà đầu tư đến từ Thái Lan.