Tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới đem lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp |
Hiệu quả lớn
Đánh giá của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, với ưu điểm tiết kiệm chi phí, giúp phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng đầu - cuối, TMĐT xuyên biên giới rất phù hợp với các DN vừa và nhỏ.
Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Đây cũng là tiền đề phát triển TMĐT xuyên biên giới, bởi có đến 33% số người mua hàng trực tuyến đã từng mua hàng từ nước ngoài. Theo ông Đạt Phan - Giám đốc Sàn TMĐT xuyên biên giới Fado.vn, mức tiêu dùng của người Việt ngày một tăng. Mặt khác, các DN vừa và nhỏ trong nước cũng đang tìm đường vươn ra thị trường thế giới bằng cách bán hàng trên các sàn uy tín.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục TMĐT và Kinh tế số - cho biết: Cách đây 15 - 20 năm, kinh phí dành cho xúc tiến thương mại chủ yếu “đổ” vào các đoàn đi tìm hiểu thị trường nước ngoài nhưng giờ đây, chủ yếu dành để hỗ trợ DN nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT. Theo Cục TMĐT và Kinh tế số, kết quả khảo sát trên 800 doanh nghiệp (DN) XK cho thấy, có đến 70% là DN nhỏ và vừa, 30% DN lớn. Số DN lớn có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử là 54%, trong khi tỷ lệ này ở DN nhỏ và vừa là 36%; đồng thời, chỉ có 11% DN tham gia và 9% DN cho biết sẽ tham gia sàn TMĐT nước ngoài. Tuy nhiên, hiệu quả các DN thu được không hề nhỏ, khi có đến 42% DN cho biết, tổng giá trị đơn hàng trực tuyến trên tổng doanh thu XK là 50%.
Tập trung nắm bắt cơ hội
Đề cập đến những cơ hội phát triển TMĐT xuyên biên giới, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, đây là xu hướng tất yếu trên quy mô toàn cầu, các DN Việt Nam cần nắm lấy cơ hội.
Đối với DN bán lẻ, theo Hiệp hội TMĐT, các DN có thể sử dụng phương pháp bán hàng xuyên biên giới thông qua các sàn giao dịch điện tử lớn như Amazon, Alibaba.com…, bởi đây là kênh uy tín và có lượng người tham gia mua, bán lớn. Mục tiêu dài hạn là thông qua TMĐT, các DN XK sẽ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Trần Thanh Hải lưu ý, một trong các giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của DN chính là ứng dụng TMĐT để tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Chính vì vậy, DN phải chủ động nhập cuộc.
Để đẩy mạnh XK qua ứng dụng TMĐT, Bộ Công Thương đang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ cho hoạt động XK của DN, trong đó có XK trực tuyến thông qua TMĐT. Cụ thể, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện TMĐT; cải cách hành chính, hỗ trợ tốt nhất DN tham gia các triển lãm, hội chợ quốc tế, diễn đàn gặp gỡ song phương, đa phương, giúp DN có cơ hội tiếp xúc, tìm kiếm đối tác NK... Ngoài ra, Cục TMĐT và Kinh tế số đã có Cổng TMĐT hỗ trợ XK cho DN Việt Nam, cung cấp thị trường cho từng nhóm hàng, khu vực, hệ thống thương vụ ở các nước, thông tin đối tác, xác thực sản phẩm ở các thị trường.
TMĐT xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu. Dự tính, đến năm 2020, tổng giá trị giao dịch trực tuyến xuyên biên giới đạt 900 tỷ USD, chiếm 22% tổng giá trị TMĐT toàn cầu. |