5 khó khăn cần tháo gỡ cho doanh nghiệp thủy sản Doanh nghiệp thủy sản: Thừa đơn hàng nhưng thiếu lao động |
Xuất khẩu sụt giảm mạnh
Những tháng đầu năm 2023, tình trạng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp phải luân phiên đóng cửa.
Ông Trần Văn Lĩnh - Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước cho biết, với các doanh nghiệp thủy sản, hiện nay tình trạng “đói đơn hàng diễn ra khá phổ biến. Theo ông Lĩnh, thông thường các năm trước đến thời điểm này các doanh nghiệp đã ký xong đơn hàng cho quý IV nhưng bây giờ ký được container nào thì làm container đó.
“Tình cảnh của doanh nghiệp thủy sản bây giờ là ‘ăn đong’ từng container hàng. Không chỉ người bán, ngay cả người mua cũng vậy. Do chỉ có đơn hàng nhỏ lẻ nên đã có một số doanh nghiệp thủy sản đóng cửa nhà máy luân phiên, sản xuất cầm chừng”, ông Trần Văn Lĩnh chia sẻ.
Cũng theo ông Lĩnh, không chỉ giảm sút trầm trọng về đơn hàng mà giá xuất khẩu thủy sản vào các thị trường đều thấp do doanh nghiệp bán bằng đô la. Hơn nữa đồng Việt Nam đang mạnh lên so với đồng đô la Mỹ nên doanh nghiệp xuất khẩu càng bị khó.
Đơn hàng xuất khẩu thủy sản giảm sút mạnh trong quý I/2023 |
Trên thực tế, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 3/2023 ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế hết quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý I/2022. Trong đó, mặt hàng tôm giảm sâu nhất khi đạt 577 triệu USD, giảm 40%; cá tra đạt 447 triệu USD, giảm 32%; cá ngừ đạt 179 triệu USD, giảm 31%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng giảm 8% khi đạt 54 triệu USD.
Lý giải về sự sụt giảm trên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho hay, thị trường bây giờ rất khó vì có người bán mà không có người mua, do đó, khả năng xuất khẩu thủy sản sẽ còn rớt sâu hơn nữa.
Theo ông Hoè, qua trao đổi với các doanh nghiệp thuỷ sản được biết, bây giờ đã bước sang tháng 4, song đơn hàng vẫn chưa có, nếu như vậy thì làm sao có thể “cứu” kim ngạch xuất khẩu.
“Mặc dù khó khăn, song các doanh nghiệp cũng không biết giải quyết thế nào, vì vấn đề không phải do nội tại mà do thị trường nhập khẩu. Chúng ta không thể nào ép nhà nhập khẩu mua hàng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng, với tình hình thị trường Mỹ như thế này, nếu vì nể nhau nhà nhập khẩu đưa đơn hàng với giá quá thấp hoặc kèm theo điều kiện giao hàng này nọ ... thì doanh nghiệp cũng không thể làm được. Không riêng gì thị trường Mỹ, phần lớn các thị trường xuất khẩu đều trong trạng thái rất chậm”, ông Trương Đình Hòe nói.
Triển vọng từ thị trường Trung Quốc
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep phân tích, thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản giảm, giá nhập khẩu cũng giảm theo.
Theo đó, xu hướng chung trong nửa đầu năm 2023 là xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Xuất khẩu cá tra khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát và kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau thời gian dài dịch COVID-19. Xuất khẩu các loài cá biển dự báo tiếp tục tăng.
Tại các thị trường lớn như: Mỹ, EU đang có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm truyền thống tại các siêu thị cho người tiêu dùng châu Á. Do vậy, xuất khẩu hàng khô (cá, tôm, mực), nước mắm, chả cá, đồ hộp sẽ tăng.
Ông Trương Đình Hòe – Phó Tổng thư ký Vasep cho rằng, trong khi các nước đối thủ như Ấn Độ, Ecuador tập trung vào sản phẩm sơ chế, các doanh nghiệp xuất khẩu phải nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Đồng thời điều chỉnh hợp lý các sản phẩm xuất khẩu. Điển hình như, với Trung Quốc thì ngoài sản phẩm đông lạnh, doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế về vị trí địa lý gần để tăng xuất khẩu tôm, hải sản tươi/sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch. Với các thị trường lớn khác như: Mỹ, EU, doanh nghiệp quan tâm hơn đến xu hướng nhập khẩu hàng cho các siêu thị châu Á, nghĩa là các dòng sản phẩm truyền thống đang hút khách như: hàng khô, nước mắm, mắm ruốc…
Cùng với đó, xu hướng tiêu dùng thế giới đang tập trung vào các sản phẩm tốt cho sức khỏe, thân thiện môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Vì thế, ngành thủy sản cần phát triển theo mô hình kinh tế xanh, chú trọng nuôi trồng bền vững, như mô hình tôm lúa, tôm rừng… tạo các sản phẩm nuôi bền vững thuyết phục khách hàng thế giới. Chú trọng chế biến các sản phẩm mới từ các phụ phẩm, tăng tính cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.
“Xu hướng tiêu dùng thủy sản của thế giới là tập trung vào các sản phẩm tốt cho sức khỏe, thân thiện môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đối với xu hướng này Việt Nam đang có nhiều lợi thế”, Tổng thư ký Vasep nói.