Doanh nghiệp vẫn lạc quan sau một năm gian khó
Cuối năm, giá cả tăng cao, chủ doanh nghiệp lại phải đau đầu với vấn đề tiền lương. Chắc chắn, doanh nghiệp phải tăng lương cho nhân viên nhưng sẽ tăng bao nhiêu đây khi lạm phát năm nay cao hơn 10% và lấy nguồn nào để tăng hay là phải chịu giảm đi lợi nhuận? Nếu vậy, sẽ thuyết phục cổ đông như thế nào?
Cuối năm là dịp để tổng kết và lập kế hoạch cho năm sắp tới. Cái cảnh ngồi họp xem xét kết quả kinh doanh mà lợi nhuận đạt thấp, nó ảm đạm và buồn lắm. Vẫn biết là phải cố gắng tăng doanh thu, giảm chi phí để có được mức lợi nhuận cao nhất nhưng trên thương trường còn có nhiều yếu tố khách quan, nằm ngoài tầm kiểm soát quá. Tình hình khó khăn chung của thị trường là vậy thì khó có thể đòi hỏi một kết quả khả quan hơn. Hội đồng Quản trị họp cùng với Ban Tổng giám đốc mà không ai đề cập gì đến tiền thưởng cho ban điều hành mặc dù trong suốt năm qua, mọi người đã tận lực, tận tâm.
Dù muốn dù không vẫn phải xây dựng kế hoạch cho năm 2011, một năm được đánh giá là tình hình có thể còn xấu hơn nữa. Doanh nhân bây giờ rất có kinh nghiệm về dự báo tình hình. Đã có nhiều người lầm tưởng rằng sau năm khủng hoảng 2008, tình hình năm 2009 sẽ tốt hơn. Rồi hết năm 2009, nhiều người kỳ vọng là năm 2010 sẽ khả quan. Nhưng thực tế thị trường đã không diễn ra như vậy.
Trong 3 năm qua, tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, lần này, dự báo cho năm 2011, nhìn chung các doanh nghiệp vẫn hết sức thận trọng vì những khó khăn vẫn đang hiển hiện trước mắt.
Cuối năm, cũng là lúc phải tính toán mức cổ tức trả cho cổ đông. Có thể, trên báo cáo tài chính là có lãi chút đỉnh để chia nhưng công ty lại không có tiền mặt. Vay ngân hàng để trả cổ tức thì “đắt” quá nhưng đợi thu hồi được công nợ để chia lãi thì lại không biết đến bao giờ. Nhiều doanh nghiệp phải suy nghĩ đến việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, đồng nghĩa với sự không hài lòng của cổ đông và áp lực lên ban điều hành về các chỉ số tài chính trong những năm tiếp theo.
Qua một năm khó khăn, doanh nhân cũng rút ra được những bài học cho mình. Những ảo tưởng về bài toán kiếm lời từ kinh doanh cổ phiếu trong đó có cổ phiếu của chính công ty mình đã không còn tồn tại. Quan sát trên sàn chứng khoán và thị trường OTC, cũng dễ dàng nhận ra, không ít cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá hoặc thấp hơn giá trị sổ sách công ty. Suy nghĩ một thời về một tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực cũng đã được nhiều công ty xem xét lại.
Thị trường quá khắc nghiệt và đòi hỏi các công ty phải tập trung chuyên sâu vào “core business”, xây dựng được thương hiệu đứng vững trong "trái tim" khách hàng. Đồng thời, phải thu hút và gìn giữ được đội ngũ nhân tài trong công ty, phải cân nhắc cẩn thận giữa tăng trưởng và hiệu quả… Đôi khi, doanh nghiệp phải chấp nhận một thực tế là nếu như không có được những lợi thế cạnh tranh nhất định, thương hiệu không ở trong Top 3, Top 5 của thị trường thì buộc lòng phải nghĩ đến giải pháp sáp nhập hoặc bán công ty.
Cuối năm, khi thời tiết giao mùa, cũng là lúc lòng người dịu lại. Suy cho cùng thì kinh doanh cũng chỉ là một phần của cuộc sống chứ không phải là tất cả. Vẫn còn đó những người thân yêu ở cạnh bên, những đồng nghiệp chân thành, những người bạn thâm giao hay những buổi sớm mai nắng ửng vàng góc phố, mùa Xuân về trong sự tất bật cuối năm. Cuộc đời này đẹp và đáng sống lắm.
Cuối năm, tôi lại chuẩn bị một cuốn sổ tay mới và nắn nón viết những dòng chữ đầu tiên. Tôi lập kế hoạch cho mình về những công việc lớn cần thực hiện, những khóa học cần tham gia, những nội dung sẽ giảng dạy và chia sẽ cùng với những dự định và ước mơ. Tôi hướng về những ngày sắp tới với sự lạc quan và niềm tin vào những điều tốt đẹp, hạnh phúc và thành công.
Theo Nguyễn Tuấn Quỳnh- Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM