Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, từ ngày 18/8 - 27/9, Hệ thống siêu thị MCQ và Công ty AusViet thực hiện Chương trình xúc tiến thương hiệu gạo Việt Nam "Viet Nam, Land of Worlds Best Rice" (Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới) tại thị trường Úc. Theo đó, 10.000 túi gạo thương hiệu Ban Mai Cung Đình được nhà phân phối M-Import và hệ thống siêu thị MCQ - do người Việt Nam thành lập, tặng 10.000 khách hàng dùng thử. Cũng trong thời gian này tại TP. Melbourne, Công ty AusViet tặng hàng trăm túi gạo ST25 tới người tiêu dùng Úc. Trước đó, vào tháng 6/2021 lần đầu tiên quả vải tươi Việt Nam đã được nhập khẩu vào EU thông qua hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp Việt kiều. Đây chỉ là một trong số những hoạt động mà cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều giới thiệu nông sản Việt tới thị trường thế giới.
Trái vải tươi đã thâm nhập nhiều thị trường nước ngoài với lượng tiêu thụ tăng dần |
Ông Hoàng Mạnh Huê – Chủ tịch Liên hiệp các Hội doanh nghiệp người Việt ở châu Âu – cho biết, cộng đồng người Việt tại nước ngoài hiện có cơ sở vật chất rất tốt để phát triển kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước. Hơn nữa, sinh sống ở nước sở tại nhiều năm, mỗi người Việt đều có sự hiểu biết nhất định về phong tục, tập quán, thị hiếu và thị trường tiêu thụ của người dân châu Âu. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng làm đại lý và đại diện cho hàng hóa Việt Nam tại châu Âu.
Không chỉ sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Việt kiều còn đầu tư, chấp nhận rủi ro để đưa hàng Việt vươn ra thế giới. Ông Phạm Văn Hiển - Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V. – đơn vị đã bỏ ra gần 1 tỷ đồng để đưa vải thiều tươi Lục Ngạn sang châu Âu bằng container đường biển - cho biết, hiện 50% hàng nhập khẩu của công ty là sản phẩm đến từ Việt Nam.
Đẩy mạnh kết nối
Mặc dù, hàng Việt nói chung và hàng nông sản nói riêng có nhiều tiềm năng tiêu thụ ở nước sở tại thông qua doanh nghiệp Việt kiều nhưng giá trị xuất khẩu chưa cao và mức độ cạnh tranh còn hạn chế do chi phí vận chuyển cao, độ ổn định của sản phẩm chưa đồng đều… Để quảng bá nông sản Việt tại thị trường nước ngoài, theo một số doanh nghiệp Việt kiều, thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước nên đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp Việt kiều. Sự hợp tác này cần được tiến hành nhanh chóng, cũng như hình thành cơ chế hợp tác bền vững từ đầu tư đến sản xuất và phân phối sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước cũng cần duy trì chất lượng sản phẩm, giá bán và nâng cấp quy trình xuất khẩu hàng hóa theo cách chuyên nghiệp… Có như thế mới "bám chắc" vào các thị trường quốc tế.
Thực tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã từng bước gắn kết doanh nghiệp Việt kiều với doanh nghiệp trong nước, sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời thông qua lực lượng này để tuyên truyền về chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đơn cử như hệ thống siêu thị châu Á của doanh nghiệp Việt kiều Thanh Bình Jeune tại Pháp, từ năm 2015 đến nay đã tăng số lượng nhập khẩu vải thiều của Việt Nam mỗi năm để giới thiệu và phân phối tới tay người tiêu dùng tại Pháp; thị trường Australia nhập khẩu khoảng 32 tấn vải tươi mỗi năm cũng thông qua các hệ thống siêu thị… Trái vải cũng đã thâm nhập được Thái Lan, Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga… với lượng tiêu thụ tăng dần thông qua các kênh siêu thị.
Bộ Công Thương bước đầu xây dựng được cơ sở dữ liệu về các doanh nhân Việt kiều, tạo điều kiện để các doanh nhân Việt Nam trong nước và nước ngoài kết nối, thiết lập quan hệ đối tác kinh doanh, phát huy lợi thế của cộng đồng người Việt kiều ở thị trường sở tại. |