Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ |
Những ngày đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian tiếp đại diện giới Công Thương cả nước. Và ngày 13/10/1945, Người đã trực tiếp gửi thư cho giới Công Thương. Đọc lại bức thư này trong bối cảnh hôm nay khi yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đang trở nên cần thiết, lại càng thấy rõ tầm nhìn vĩ đại của vị lãnh tụ 77 năm về trước.
Trong bối cảnh việc nước thời điểm đó, thư của Bác không viết dài, chỉ vẻn vẹn 197 chữ. Nhưng chỉ ngần ấy chữ thôi cũng đã đặt ra cả những vấn đề trước mắt và lâu dài, bên cạnh việc chỉ đạo đầy tính nhắn gửi việc cần kíp với giới Công Thương lúc bấy giờ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới Công Thương Hà Nội ngày 18/9/1945. Ảnh: Tư liệu |
"Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng.
Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng".
Những dòng thư ấy mà giờ đây đã đi vào lịch sử không chỉ khẳng định vị trí, vai trò của giới Công Thương cũng như doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong việc xây dựng nền kinh tế đất nước, cũng như sự đồng hành của Chính phủ trong tiến trình xây dựng ấy.
Đọc lại để chúng ta thấy rõ thêm rằng, đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ với hai đặc trưng nổi bật "vững vàng" và "thịnh vượng" như Người nhấn mạnh. Và khi Người viết: "việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau" chính là khi Người nhấn mạnh và xa hơn là yêu cầu doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, cần đi đầu trong tiến trình xây dựng nền kinh tế mang tính độc lập, tự chủ. Điểm quan trọng nhất của tiến trình ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ trong thư: "Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này".
77 năm kháng chiến, kiến quốc, đất nước nở hoa độc lập, tự do và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không khỏi khiến chúng ta kinh ngạc.
Hơn 30 năm đổi mới, kinh tế đất nước đạt được những thành tựu ấn tượng. Cụ thể, quy mô kinh tế tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 22 lần. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và thiếu ăn, Việt Nam vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020 và đang hướng tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn của 2030- kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Trong nghị quyết của các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn đặt ra vấn đề xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tuy nhiên trong bối cảnh địa chính trị của thế giới ngày càng tiềm ẩn những yếu tố bất định, dòng chảy xung đột như một dòng nham thạch có thể trào phun bất cứ lúc nào, yêu cầu xây dựng nền kinh tế mang tính độc lập, tự chủ càng lúc càng trở nên cần thiết cũng như đã và đang đặt ra các đòi hỏi cấp bách hơn.
Cách tiếp cận mới về xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII được thể hiện rõ nét nhất ở tinh thần chủ động, phát triển toàn diện, coi trọng bảo vệ lợi ích quốc gia, phù hợp với trình độ phát triển của đất nước cũng như các chuẩn mực quốc tế.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn mang sứ mạng vẻ vang cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Có thể thấy một đặc trưng nổi bật là không chỉ tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt tạo ra của cải vật chất cho xã hội, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp cho sự thịnh vượng của quốc gia.
Và bối cảnh mới xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng đòi hỏi cao hơn việc đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát huy vai trò chủ động. Sự chủ động ấy bắt đầu từ việc chung tay cùng Đảng và Nhà nước xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tạo dựng cho được ổn định kinh tế vĩ mô. Sự chủ động đó cũng còn thể hiện trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh, tiếp cận các kinh nghiệm quản trị hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Một yếu tố nữa cũng cần nhấn mạnh là chủ động tạo dựng những tập đoàn, thương hiệu thuộc mọi thành phần kinh tế mạnh, đủ sức cạnh tranh mang bản sắc Việt Nam.
Việt Nam xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng hoàn toàn không có nghĩa là "đóng cửa". Với tâm thế Việt Nam đang ổn định trong một thế giới mất ổn định, Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ song song với tích cực, chủ động hội nhập. Đây là đòi hỏi khách quan và cũng là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán. Trong khung cảnh như thế, khả năng hội nhập của Việt Nam không chỉ dừng lại hay được đo đếm bằng các Hiệp định thương mại song phương, đa phương khu vực và thế giới mà sâu xa hơn, căn cốt hơn chính là khả năng, mức độ và tầm vóc doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn, có vị thế vững chắc hơn vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của thị trường thế giới.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể mãi là chủ nhân của một công xưởng gia công của thế giới, không chỉ mãi cho ra các sản phẩm "made in Vietnam". Thay vào đó là tạo dựng được các thương hiệu "make in Vietnam" để xứng đáng với vị thế một quốc gia có tầm vóc trong số 10 - 15 nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới.
Trong các hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp được tổ chức gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính không ít lần nhấn mạnh doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị doanh nghiệp; tạo chuẩn giá trị mới; quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần doanh nghiệp Việt Nam không chỉ sẵn sàng tham gia vào chuyển giao công nghệ mà còn có khả năng đổi mới, sáng tạo công nghệ mới. Cần tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tăng cường hợp tác nhằm phát triển bền vững; đi cùng nhau, tất cả cùng chiến thắng.
Thấm nhuần tư tưởng "Chính phủ sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định rõ quan điểm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, tạo thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp xây dựng định hướng đầu tư sản xuất, kinh doanh dài hạn và bền vững.
Cùng đó, Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
Khi nền kinh tế của đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Tuyên ngôn độc lập "xơ xác, tiêu điều", "dân cày và dân buôn trở nên bần cùng", Người đã nhìn thấy một nước Việt Nam rồi sẽ có một nền kinh tế và tài chính vững vàng, thịnh vượng.
Và, từ lịch sử đã cho thấy, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Viêt Nam chính là động lực để đưa tương lai ấy lại gần.