Việt Nam tham gia nhiều diễn đàn kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới
CôngThương - Việt Nam (VN) hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Cùng với ASEAN, VN đã tham gia đàm phán, thiết lập các khu vực thương mại tự do giữa ASEAN với nhiều đối tác kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới, góp phần tích cực vào nỗ lực chung của ASEAN, hoàn thành việc xây dựng cộng động Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, với mong muốn thiết lập một thị trường chung, một cơ sở sản xuất thống nhất.
Tại Hội thảo “Phổ biến các Hiệp định thương mại tự do VN tham gia và lấy ý kiến về chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế” tổ chức ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhận định: Toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen. Quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động dang diễn ra ngày càng sâu rộng. Thứ trưởng khẳng định: “Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trở thành yêu cầu đối với nền kinh tế”.
Cùng với hội nhập toàn cầu theo hình thức đa phương, xu thế xây dựng các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực trở thành xu thế lớn. Ngoài việc cùng ASEAN tham gia đàm phán các FTA khu vực, VN cũng đã và đang tham gia đàm phán một số FTA với các đối tác phù hợp, có lợi cho chiến lược hội nhập, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); FTA song phương với Liên minh châu Âu...
Ông Hoàng Văn Phương – Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - đã nói về lý do tham gia đàm phán, ký các FTA, thứ nhất, nhằm tăng cường thương mại, đầu tư đối với các đối tác chủ chốt. Thứ hai, nâng cao vị thế đàm phán. Thứ ba, định vị nền kinh tế. Một mặt, thu hút đầu tư với ý nghĩa VN là điểm đến có lợi thế trong các khu vực thương mại tự do. Mặt khác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong khu vực với xu thế toàn cầu hóa về thị trường và cơ sở sản xuất.
Triển khai chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” này, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020 để trình Thủ tướng Chính phủ. |
Sự tùy thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước ngày càng phổ biến. Ông Bạch Thăng – Trưởng phòng Kế hoạch Công ty May 10 - quan tâm nhiều đến định hướng phát triển thương mại tự do. Các FTA tác động trực tiếp đến ngành dệt may, một lĩnh vực mà nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn. Theo ông Thăng, việc sử dụng vật tư đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ không chỉ nhằm hưởng ưu đãi mà còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh tại các thị trường lớn như EU, Mỹ...
Mức độ hội nhập quốc tế càng cao, lợi ích từ hội nhập thu được càng lớn, nhất là khi kết hợp thực hiện các cam kết hội nhập với đẩy nhanh cải cách trong nước. Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, việc xây dựng Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020 đòi hỏi việc học tập kinh nghiệm quốc tế, sự tham gia đóng góp ý kiến của các ban, ngành, hiệp hội, DN... trong việc xác định tiềm năng, cơ hội dài hạn, các thách thức đối với việc nâng cao khả năng cạnh tranh để đưa nền kinh tế hội nhập thành công.