Doanh thu của nhiều “ông lớn” dệt may giảm mạnh vì giãn cách kéo dài
Doanh thu giảm, một số doanh nghiệp dệt may lần đầu báo lỗ
Dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam và lan rộng ở nhiều địa phương trên cả nước đã kéo doanh thu nhiều doanh nghiệp dệt may sụt giảm mạnh, nhất là kể từ tháng 6 trở lại đây.
Các doanh nghiệp dệt may tại phía Nam đang chịu tác động nặng nề của làn sóng dịch thứ 4 bùng phát |
Cụ thể, công bố mới đây của Công ty Dệt may Thành Công (TCM) cho thấy, doanh thu tháng 8 của đơn vị này chỉ đạt 10,5 triệu USD (238 tỷ đồng), giảm mạnh 23% so với cùng kỳ năm trước; lỗ sau thuế 282.425 USD (6,4 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ năm trước lãi 1 triệu USD (tương đương 22,7 tỷ đồng). Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên doanh nghiệp lỗ kể từ khi công khai lợi nhuận tháng. Lũy kế 8 tháng, doanh thu của TCM đạt 106 triệu USD (2.406 tỷ đồng), cao hơn 4% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 59% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 5,48 triệu USD (124 tỷ đồng), giảm 24,4% và thực hiện 44,4% kế hoạch năm.
Theo TCM, nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh là do tình hình dịch bệnh phức tạp, đơn vị thực hiện làm việc giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch. Trong khi đó, chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao, dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và lỗ sau thuế.
Tương tự, Tổng công ty May Nhà Bè (MNB) ghi nhận khoản lỗ sau thuế nửa đầu năm nay là 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ 16,5 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho của May Nhà Bè đến cuối kỳ là gần 866 tỷ đồng, tăng hơn 21%, trong đó, nguyên vật liệu là gần 305 tỷ đồng.
Dù không giảm mạnh như hai doanh nghiệp trên song doanh thu tháng 8/2021 của Dệt may TNG cũng tiếp tục giảm so với tháng 7/2021 và giảm 4% so với cùng kỳ với kết quả 577,5 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng, TNG đạt 3.544 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước (do các tháng đầu năm tăng mạnh). Sở dĩ doanh nghiệp này chỉ giảm nhẹ so với các đơn vị khác là do có địa bàn hoạt động chủ yếu ở tỉnh Thái Nguyên, địa phương có số ca nhiễm ít và kể từ giữa tháng 8 không phát sinh ca mới.
Tìm phương án khắc phục
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong những tháng cuối năm 2021, ngành dệt may vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức bởi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở khu vực phía Nam. Điều này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng. Trong khi đó, đơn hàng mà doanh nghiệp dệt may nhận đến cuối năm 2021 và đầu 2022 còn nhiều, dù cố gắng duy trì phương thức hoạt động “3 tại chỗ” song chưa đáp ứng được nhu cầu theo kế hoạch.
Để khắc phục khó khăn, các doanh nghiệp dệt may ở miền Nam đã tìm đến đơn vị ở miền Trung và miền Bắc - những nơi ít bị ảnh hưởng dịch bệnh để đặt hàng gia công. Bên cạnh đó, một số đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy nhằm giảm áp lực cho nhà máy đang tập trung tại TP. Hồ Chí Minh. Chẳng hạn với TCM, theo ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT TCM, doanh nghiệp này đã và đang xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 để chuẩn bị phục vụ sản xuất những đơn hàng của năm 2022, góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận tương lai.
Trong khi đó, TNG sẽ mở rộng công suất sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đơn hàng thông qua việc đầu tư tiếp giai đoạn hai Nhà máy may TNG Võ Nhai với 18 chuyền may (tương đương 7% công suất hiện tại). TNG cũng có kế hoạch năm 2022 đầu tư tiếp giai đoạn 2 (20 chuyền may) của nhà máy TNG Đồng Hỷ. Các nhà máy của TNG đều đạt tiêu chuẩn nhà máy xanh nhằm đảm bảo là một mắt xích trong toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ thu hút nhiều đơn hàng lớn từ những thương hiệu tên tuổi như Nike, Adidas,… mà còn cân bằng giữa bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội.
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT TCM: Mới đây Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã gửi bảng khảo sát các tiêu chí mở cửa hoạt động trở lại cho doanh nghiệp. Theo bảng khảo sát này, hầu hết các tiêu chí chúng tôi đều đáp ứng. Hy vọng sau tháng 9/2021, chúng tôi có thể tăng công suất trở lại với nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. |