Điểm độc đáo, khác biệt tại Tour đêm du lịch Văn Miếu - Quốc Tử Giám hút khách du lịch Độc đáo “Chợ phiên - Chào năm mới 2024” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam |
Cụm di tích lịch sử văn hoá lâu đời
Đền Rồng - đền Nước là cụm di tích lịch sử văn hóa nằm trên địa phận thôn Nghĩa Đụng, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Đền Rồng là tên gọi theo vị trí đền tọa lạc sát chân núi rồng, là nơi Thánh Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn hay còn gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu, một trong ba vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống. Đền Nước là nơi thờ Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ, vị thần chịu trách nhiệm cai quản miền sông nước.
Nghi thức rước kiệu từ đền Rồng sang đền Nước. |
Ngày nay không còn tài liệu nào ghi chép lại một cách cụ thể và chính xác về thời gian xây dựng đền. Theo các bậc cao niên trong làng cho biết, đền Rồng - đền Nước có từ rất lâu đời. Trước kia đền được dựng trong hang núi, Nhân dân sử dụng lòng hang bằng phẳng lập nơi thờ phụng. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân và du khách thập phương chính quyền, người dân địa phương và các nhà hảo tâm đã đóng góp công đức xây dựng lại đền ngay dưới chân núi.
Lễ tế nữ quan Lễ hội đền rồng đền nước |
Đền được trùng tu, tôn tạo nhiều lần và hiện nay đền là một quần thể kiến trúc phối thờ gồm nhiều hạng mục như: Đền Rồng gồm: Nghi Môn, Sân, Phủ Mẫu, Cung Công Đồng các quan lớn, cung thờ Tứ phủ Chầu bà, cung thờ Ngọc Hoàng, cung thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Lầu Cô Chín, Lầu Cô Bơ, Đền Đức ông, Tiền Đường, Hậu Cung, Nhà thờ phật…; đền Nước gồm: Đền Chính, Động Sơn Trang, Lầu Quan Âm…có quy mô đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương.
Đền Rồng tọa lạc sát chân núi rồng. |
Cụm di tích lịch sử đền Rồng - đền Nước tọa lạc trên khuôn viên tổng thể có diện tíc khoảng 4,8ha, phân thành 2 khu: Khu vực I: 6.428,2m2. Trong đó, đền Rồng diện tích 5.127m2, Đền Nước diện tích 1.301,2m2; khu vực II có diện tích 42.284,6 m2.
Địa chỉ văn hóa tâm linh nổi tiếng linh thiêng
Đã từ rất lâu, đền Rồng - đền Nước là một địa chỉ văn hóa tâm linh nổi tiếng linh thiêng với tín ngưỡng thờ Mẫu được đông đảo người dân địa phương và thập phương đến đây chiêm bái. Với địa thế “hậu tựa sơn, tiền đạp thủy”, đền Rồng là một danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp nằm tựa lưng vào dãy núi Rồng sừng sững với rừng cây rậm rạp xanh um.
Đền Rồng là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn, còn được gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu hay Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi, gắn bó với con người cùng cỏ cây, muông thú. Đền Nước là nơi thờ Mẫu Thoải hay còn được gọi là Mẫu Đệ Tam cai quản vùng sông nước.
Hang cá thần đền Nước. |
Theo truyền thuyết, các vị thánh Mẫu được thờ trong hai ngôi đền ngoài vai trò trông coi cai quản rừng núi, sông biển thì các vị nữ Thánh còn có công cứu giúp các vị tướng lĩnh và nhà vua đi chinh chiến dẹp giặc. Tương truyền vào những năm chống quân Minh xâm lược, các vị Thánh Mẫu đã nhiều lần báo mộng cho nghĩa quân Lam Sơn cùng chủ soái Lê Lợi thoát được hiểm nghèo khi bị quân địch vây giáp và những báo mộng để Lê Lợi ra kế sách tiêu diệt quân xâm lược.
Với công trạng đó, nhà Lê đã ban 05 đạo sắc phong cho đền Rồng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, khi Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, trên đường dừng chân nghỉ lại bên đền thiêng cũng được các vị thần báo mộng cho vị quân vương những quốc sách để thần tốc bách chiến bách thắng quân xâm lược. Ngày khải hoàn, vua Quang Trung cũng đã ban một đạo sắc phong cho đền Rồng. Đến thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng cũng sắc phong một lần cho ngôi đền thiêng để tạ ơn thần Rồng, thần Nước đã bảo quốc, hộ dân.
Bà Nguyễn Mai Hương, trú tại xã Đồng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 24 tháng 2 âm lịch là tôi lại đến dâng lễ tại đền Rồng - đền Nước với mong muốn một năm mới được bình an, may mắn”.
Miếu ngoài đền Rồng |
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , bà Phan Thị Lan, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hà Trung cho biết: “Lễ hội đền Rồng - đền Nước là văn hóa tâm linh nổi tiếng linh thiêng với tín ngưỡng thờ Mẫu đã thu hút nhiều khách tham quan, chiêm bái với khát vọng năm mới được bình an, may mắn, tốt tươi. Lễ hội được chính quyền địa phương tổ chức vào ngày 24 tháng 2 âm lịch hàng năm. Hiện nay cụm di tích đền Rồng - đền Nước là nơi thờ tự Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt. Đây là hai vị Thánh Mẫu bảo hộ, che chở cho cuộc sống của nhân dân được ấm no, bình an, hạnh phúc. Lễ hội truyền thống đền Rồng - đền Nước được chính quyền địa phương tổ chức với nghi thức rước kiệu linh đình từ đền Rồng sang đền Nước. Lễ hội được diễn ra với mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Việc tổ chức lễ hội đền Rồng – đến Nước hàng năm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những anh hùng vì nước, vì dân”.