Lễ hội tôn vinh văn hóa dân tộc ChămNét duyên trang phục phụ nữ Chăm |
Dân tộc Chăm, sinh sống chủ yếu tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trải qua chiều dài lịch sử, đồng bào dân tộc Chăm hình thành, lưu giữ một nền văn hóa phong phú, đặc sắc được phản chiếu qua những sinh hoạt của cộng đồng, không gian lễ hội truyền thống, các phong tập, tục quán, tín ngưỡng lâu đời…
Sắc màu văn hóa dân tộc Chăm rất đặc trưng |
Đồng bào dân tộc Chăm có nhiều lễ hội, thu hút sự tham gia của cộng đồng. Trong đó có lễ hội cầu mưa, lễ hội Katê, lễ hội Ranuwan, lễ hội Roya Phik-trok, lễ hội Tháp Bà Po Nagar, lễ mở cửa tháp…Nổi bật trong những lễ hội đó là lễ hội Katê - một lễ hội dân gian đặc sắc tàng lưu một kho tàng văn hóa Chăm. Trong thời gian diễn ra lễ hội, đồng bào tổ chức rất nhiều nghi thức cúng tế độc đáo mang đậm màu sắc Chăm-pa, trong đó có việc dâng lễ kính nhớ tổ tiên cầu mong cho cuộc sống thanh bình, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc.
Lễ hội Katê diễn ra trên không gian rộng lớn, lần lượt từ đền tháp đến làng rồi về từng gia đình tạo thành một hoạt động đa dạng, phong phú với sự tham gia sôi nổi của cộng đồng. Trong dịp này, người Chăm dọn dẹp nhà cửa, diện những bộ trang phục mới, thăm hỏi chúc nhau những lời tốt lành và vui chơi, giải trí sau một năm miệt mài lao động...
Âm nhạc người Chăm rất đa dạng |
Tất cả các bước hành lễ, đều có thầy cả đọc kinh, thầy đàn, thầy hát mời gọi các vị thần về chứng giám dự lễ, bà bóng thì rót rượu, dâng lễ vật lên thần linh. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm có khoảng hơn 30 bài hát trong lễ Katê tương ứng với lời mời hơn 30 vị thần. Những nghi thức hành lễ thành kính, huyền bí đầy tính tâm linh, tạo nên nét riêng có của lễ hội Katê. Ngày nay, lễ hội Katê không chỉ là niềm vui riêng của bà con dân tộc Chăm mà còn là một trong những ngày hội lớn của các dân tộc anh em.
Một trong những thành tố đặc trưng mà bao thế hệ người Chăm vẫn gìn giữ chính là âm nhạc truyền thống, thứ âm nhạc được cất lên mỗi mùa: Lễ hội Katê, trong những giờ làm gốm, dệt vải, trên chiếc võng ru nôi …Người Chăm sử dụng nhiều loại nhạc cụ, với ba nhóm chính là bộ gõ, bộ hơi và bộ dây, phổ biến nhất là trống Gineng, trống Paranưng và kèn Saranai. Âm nhạc truyền thống của người Chăm vẫn còn được bảo tồn trải qua hàng trăm năm dâu bể, vẫn giữ được những giai điệu huyền bí, đẹp tuyệt diệu dưới những bóng tháp ngà. Âm nhạc của người Chăm đa dạng, phong phú, tự cổ chí kim luôn phản ánh cuộc sống và thế giới quan của họ, dù có đôi chút khác với những gì mà người Việt suy nghĩ, nhưng đều là những sự khác biệt đáng nâng niu và trân trọng, tạo nên sự tổng hòa văn hóa của một quốc gia đa sắc tộc.
Thiếu nữ Chăm với điệu múa nước |
Cùng song hành với âm nhạc là những điệu múa. Âm nhạc và những điệu múa của dân tộc Chăm hòa quyện vào nhau tạo thành tâm hồn của người Chăm. Thông qua âm nhạc và những điệu múa, một lần nữa chúng ta có quyền khẳng định về sự đa dạng về văn hóa của dân tộc Chăm. Người con gái Chăm trong trang phục váy áo truyền thống cùng những chiếc khan đầy màu sắc và duyên dáng thể hiện sự khéo léo và đầy uyển chuyển. Người Chăm gọi đó là điệu múa mang tính chất tôn giáo. Lấy nước về dâng cúng cho thần. Ngoài ra còn một điệu múa, độc đáo hơn tất cả, đó là điệu Apsara, điệu múa đó mô phỏng điệu múa của nữ thần Siva. Và đó được coi là điệu múa hay nhất, độc đáo nhất của người Chăm...
Gốm, nghề thủ công truyền thống của người Chăm |
Với văn hóa Chăm còn được nói tới nghề thủ công mỹ nghệ như gốm sứ và thổ cẩm, một nét đặc trưng mà hiện nay có những công trình xây dựng như tháp Hòa Lai và tháp Pô Klông Garai, cụm tháp Po Rome xây dựng từ đất nung được chạm khắc hình vũ nữ Chăm trong điệu Apsara là minh chứng hùng hồn cho bàn tay và khối óc sáng tạo tuyệt vời của đồng bào người Chăm. Đây là những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà người Chăm đã sáng tạo trong suốt quá trình phát triển, tạo nên một nền văn hóa dân tộc đặc sắc, đầy sức hấp dẫn.
Trong những năm qua, Chính phủ, các tổ chức xã hội và chính đồng bào đã tham gia thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa nhằm bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc Chăm. Các dự án được triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, truyền thống và lịch sử của người Chăm. Qua đó duy trì và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Chăm, thể hiện sự tôn trọng và đảm bảo quyền tự do văn hóa cho cộng đồng Chăm, tạo điều kiện cho họ tự hào về bản sắc và nguồn gốc của mình.
Việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Chăm không chỉ đảm bảo quyền tự do văn hóa và quyền đa dạng văn hóa cho người dân Chăm, mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, đa văn hóa và đoàn kết.