Dồi dào đơn hàng, doanh nghiệp dệt may lại lo thiếu lao động
Ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho hay, hiện đơn hàng của doanh nghiệp dệt may hồi phục tương đối tốt. Nửa cuối năm 2024, tăng trưởng của ngành dự kiến tăng 15% so với nửa đầu năm.
Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 8 tháng năm 2024 ước đạt 28,32 tỷ USD, tăng 6,19% so với cùng kỳ 2023. Đáng mừng, tháng 7/2024 và tháng 8/2024 là hai tháng liên tiếp kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt trên 4 tỷ USD, kể từ tháng 8/2022.
Dự báo, xuất nhập khẩu hàng dệt maycủa Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới, bởi theo yếu tố chu kỳ, nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang ấm dần và đã tăng trưởng trở lại như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada … riêng thị trường EU mức tăng trưởng còn thấp.
Cũng theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2024 ngành dệt may đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023. Với lũy kế 8 tháng đạt trên 28 tỷ USD, trung bình từ nay tới hết năm 2024 mỗi tháng cần đạt kim ngạch trung bình 4 tỷ USD. Tuy nhiên, nửa cuối năm cũng là cao điểm cho đơn hàng và sản xuất dịp Noel và chào đón năm mới, do đó với đà tăng trưởng trong 2 tháng liên tiếp cơ hội cán đích của ngành là tương đối cao.
Dồi dào đơn hàng, doanh nghiệp dệt may lại lo thiếu lao động. Ảnh: Băng Tâm |
Theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp, từ quý IV/2023 đến nay thị trường dệt may đã có những dấu hiệu ấm lên. Tổng cầu dệt may năm 2024 được dự báo tăng 5-6% so với năm 2023 dù chưa bằng so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm 2024 và đang đàm phán đơn hàng cho năm 2025.
Việc đơn hàng phục dệt may xuất khẩu hồi phục đáng kể, theo nhận định của một số doanh nghiệp trong ngành là nhờ luồng đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh sang các nước xung quanh trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hồng khẳng định, sự phục hồi của đơn hàng dệt may chủ yếu do sức mua tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam phục hồi, đẩy đơn hàng tăng lên. “Luồng đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh có chăng cũng chỉ mang tính tạm thời”, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh nói.
Đơn hàng phục hồi là tín hiệu tốt nhưng cũng khiến doanh nghiệp dệt may chật vật xoay sở tuyển dụng thêm lao động. Thực tế, tình trạng thiếu lao động không chỉ bây giờ mới xảy ra với doanh nghiệp dệt may. Nhờ đơn hàng khởi sắc, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng ngay từ đầu năm.
Đơn cử, Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân) mở thêm 4 chuyền may, do đó phải liên tục tuyển công nhân nhưng đến nay vẫn còn thiếu khoảng 100 lao động. Hay Công ty Cổ phần Việt Hưng (Quận 12, TPHCM) đã mở sẵn dây chuyền, có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 180 công nhân để vào làm việc ngay.
Việc tuyển dụng lao động khó khăn ngay cả với công ty lớn, trả lương cao và phúc lợi xã hội tốt. Theo đại diện Tổng Công ty CP May Nhà Bè, doanh nghiệp gần như làm tất cả những gì có thể để thu hút tuyển dụng, kể cả đến các trung tâm dịch vụ việc làm, tham gia ngày hội tuyển dụng, đăng tuyển trên các trang tuyển dụng uy tín,... nhưng cũng không hiệu quả.
Dự báo, từ tháng 10/2024 đến tháng 2/2025 sẽ xuất hiện tình trạng “thúc” đơn hàng từ các đối tác, công ty có thể sẽ phải tuyển thêm nhiều lao động thời vụ để đáp ứng nhịp sản xuất của các đơn hàng.
Lý giải về tình trạng thiếu lao động của doanh nghiệp dệt may, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, cuối năm là thời điểm vào mùa sản xuất không chỉ riêng ngành dệt may mà của nhiều ngành hàng khác do đó có tình trạng ồ ạt tuyển dụng lao động khiến công tác tuyển dụng kể cả tuyển dụng lao động thời vụ khó khăn.
Bên cạnh đó, do năm 2023 và nửa đầu năm 2024 có những thời điểm đơn hàng khó khăn, buộc doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm lao động. Người lao động không có việc làm quay về quê, cùng đó thời điểm hiện tại đã gần đến Tết Nguyên đán nên người lao động cũng không có ý định quay trở lại làm việc ngay nên thiếu càng thêm thiếu.
Để giải quyết vấn đề thiếu lao động luôn ‘nóng’ về cuối năm, theo các chuyên gia đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất là rất cần thiết. Doanh nghiệp cũng cần gia tăng các chính sách trợ cấp nhằm giữ chân người lao động.
Về phía doanh nghiệp, để có thể tận dụng cơ hội thị trường đang dần 'ấm' lên các nhà sản xuất mong muốn các tổ chức tín dụng không tiếp tục cắt giảm hạn mức tín dụng và tăng lãi suất cho vay. Cùng với đó, việc tăng chi phí đầu vào, như tăng lương tối thiểu vùng, tăng giá điện càng làm gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp, trong khi đó giá đơn hàng không tăng thậm chí bị đàm phán giảm. Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, Nhà nước cần có các chính sách giảm áp lực tăng giá đầu vào nhằm tạo tạo lợi thế cạnh tranh tốt hơn cho các doanh nghiệp.