Tạo động lực lan tỏa, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế
Thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các đại biểu Quốc hội cho rằng, hành lang Bắc - Nam là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, có vai trò, ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; kết nối các hành lang Đông - Tây, các cực tăng trưởng để tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu Quốc hội xem video clip thuyết minh về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Ảnh: QH) |
Việc phát triển giao thông theo trục Bắc - Nam giúp kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng và các hành lang kinh tế của khu vực và thế giới.
Việc đầu tư dự án đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống đường sắt trong khu vực và châu Á; mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tạo động lực lan tỏa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam từ sản xuất vật liệu đến chế tạo cơ khí, xây dựng hạ tầng, điện, công nghệ số...
Phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 20/11, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ sự ủng hộ và đồng tình cao đối với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây là công trình thiên niên kỷ, không chỉ là dự án giao thông quy mô lớn mà còn là một chiến lược quốc gia quan trọng, sẽ đem lại động lực phát triển lâu dài cho đất nước, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ khắc phục những hạn chế nghiêm trọng trong hệ thống giao thông hiện tại, đặc biệt là tuyến đường sắt cũ kỹ và thiếu an toàn. Hiện nay, đường sắt nước ta đang dần mất vai trò và tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn giao thông.
Theo Tờ trình của Chính phủ, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực, giảm tải áp lực lên các tuyến giao thông khác như đường bộ, hàng không, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại các đô thị lớn, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải lớn trên hành lang Bắc - Nam với dự báo đến năm 2050 tuyến đường sắt này cần đảm nhận khoảng 122,7 triệu lượt khách và 18,2 triệu tấn hàng hóa. Điều này cho thấy vai trò không thể thiếu của đường sắt trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Thứ hai, dự án phù hợp với các quy hoạch chiến lược quốc gia. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hoàn toàn phù hợp với các chiến lược quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2050, đồng thời là sự cụ thể hóa Nghị quyết 13 của Đảng về phát triển hạ tầng đồng bộ và hiện đại.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục xương sống của hệ thống giao thông, được ưu tiên đầu tư trước năm 2030, điều này không chỉ bảo đảm tính đồng bộ mà còn hỗ trợ phát triển các vùng kinh tế trọng điểm dọc tuyến, mở rộng không gian kinh tế - xã hội theo chiều dọc của đất nước.
Thứ ba, lợi ích kinh tế - xã hội mà dự án mang lại rất to lớn. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ có ý nghĩa trong việc nâng cao năng lực vận tải mà còn đóng góp vào việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ, du lịch và tạo ra hàng triệu việc làm.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Theo tính toán như Chính phủ trình, tổng giá trị thị trường xây dựng từ dự án có thể lên đến 33,5 tỷ USD, nếu tính cả các dự án liên quan như đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị con số này có thể lên đến 75,6 tỷ USD. "Đặc biệt, việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt sẽ tạo nền tảng để Việt Nam phát triển công nghiệp sản xuất và nội địa hóa trong lĩnh vực công nghiệp đường sắt, một lĩnh vực mà chúng ta đang còn hạn chế" - đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh.
Thứ tư, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ giúp giảm chi phí logistics, một trong những trở ngại lớn đối với sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Việc vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường sắt sẽ giúp giảm thiểu áp lực lên đường bộ, giảm chi phí vận hành và góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP 26. Đây là hướng đi đúng đắn cho một phương thức vận tải bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển xanh của thế giới.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - đoàn Cà Mau đánh giá, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại là nền tảng của một nước công nghiệp hiện đại, trong đó đường sắt là phương thức giao thông quan trọng trên các hành lang có khối lượng lưu thông lớn. Đất nước ta trải dài từ Bắc đến Nam với chiều dài chiếm ưu thế nên hành lang kinh tế Bắc - Nam chiếm vị trí quan trọng bậc nhất của cả nước.
Việc kết nối hành lang này sẽ tạo được động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội. Với ưu thế vận tải khối lượng lớn, nhanh, an toàn, thuận tiện, đường sắt Bắc - Nam sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, mở ra không gian phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch, góp phần giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trước đó, tại phiên họp tổ của Quốc hội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - đoàn Lạng Sơn tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình 767/TTr-CP ngày 10/11/2024 của Chính phủ nhằm cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển lĩnh vực đường sắt nói riêng và thực hiện các quy hoạch.
"Mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh" - đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Theo đại biểu, dự án đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án là đúng quy định của pháp luật. Hồ sơ Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam cơ bản đáp ứng danh mục tài liệu theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư công về dự án quan trọng quốc gia, bao gồm: Tờ trình; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước; dự thảo Nghị quyết; tài liệu khác có liên quan.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn |
Ông Phạm Trọng Nghĩa cũng tán thành với việc quy định cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai dự án góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tránh gặp phải những vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cơ chế đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nguồn vật liệu xây dựng… như trong quá trình thực hiện một số dự án quan trọng quốc gia trước đây.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội cũng đồng tình việc cần thiết xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam vì chúng ta có chiều dài đất nước theo chiều dọc với các vùng kinh tế trọng điểm, cần thiết có sự kết nối với các vùng kinh tế để tạo sự lan toả, tránh tình trạng tập trung vào một số thành phố lớn, còn các nơi khác nằm trên trục đó nhưng không phát triển được.
"Điểm nghẽn hiện nay là vấn đề logistics, không hút được đầu tư phát triển, nên khi xây dựng xong tuyến này sẽ giải quyết điểm nghẽn về logictics, nhất là vận tải hàng hoá Bắc - Nam" - đại biểu đoàn Hà Nội nói.
Ông Cường cho hay, hiện nay xuất khẩu hàng hoá đang nghiêng về một thị trường rất lớn, do đó, phải đẩy mạnh thị trường sang khu vực châu Âu và Trung Đông. Cho nên không có con đường nào khác hơn là con đường về đường sắt. Phát triển đường sắt kết nối với hệ thống đường sắt của Bắc Á sẽ giải quyết được vấn đề xuất khẩu hàng hoá.
"Tôi kỳ vọng phát triển đường sắt này để giải quyết vấn đề logictics, vận chuyển hàng hoá phục vụ xuất khẩu, kết nối được với quốc tế" - đại biểu bày tỏ, đồng thời nhận định, lợi ích của việc đầu tư đường sắt tốc độ cao là tạo ra không gian phát triển mới. Từ đó, thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác phát triển chứ không đơn thuần là tạo ra nguồn thu từ bán vé.
Tuy nhiên, ông Cường băn khoăn khi tuyến đường sắt đề xuất chỉ vận chuyển hành khách, còn hàng hoá chỉ là đa dụng trong trường hợp cần thiết. Còn hàng hoá thì dùng hệ thống đường sắt cũ, nhưng hệ thống đường sắt cũ thì không kết nối liên thông được với quốc tế do khổ đường sắt là 1m43, đi đến một điểm nào đó sẽ phải dừng lại thì không còn giá trị. Vì thế hiện giờ hàng hoá đang phải vận chuyển trên đường bộ là chủ yếu. Do đó, đề nghị tuyến này là lưỡng dụng, bao gồm cả hàng hoá và hàng khách để giải quyết nhu cầu vận tải hàng cho liên thông quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - đoàn Hưng Yên nhận định, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua chủ yếu tập trung cho đường bộ, hàng không; hạ tầng đường sắt chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, dẫn đến tụt hậu, phát triển không tương xứng, chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng vốn có của phương thức vận tải này.
Việc đầu tư dự án nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống đường sắt khu vực và châu Á. Đồng thời, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tạo động lực lan tỏa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam từ sản xuất vật liệu đến chế tạo cơ khí, xây dựng hạ tầng, điện, công nghệ số...
Ông Thắng nhận xét, vận tải đường sắt đang dần mất vai trò, hạ tầng lạc hậu, chất lượng dịch vụ thấp và lạc hậu với thế giới và khu vực. Năm 2023, thị phần luân chuyển hành khách chỉ còn 1,07%, hàng hóa chỉ còn 0,91%. Trong khi đó, các nước phát triển, thị phần vận tải hành khách công cộng chiếm rất cao, rất tiện nghi và đúng giờ, thuận tiện, nhanh, các dịch vụ hạ tầng đồng bộ.
Việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ giúp phát huy hành lang kinh tế Bắc - Nam, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn, gia tăng phương tiện cá nhân gây nên ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở các đô thị lớn, đang gây ra nhiều hệ lụy, nhất là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
"Từ đó, mở ra không gian phát triển, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - dịch vụ, du lịch, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần giảm chi phí logistics" - ông Thắng nêu.
Chuẩn bị kỹ lưỡng dự án ngay từ giai đoạn đầu
Nhấn mạnh hiện nay các điều kiện thực hiện dự án đã chín muồi, các nguồn lực nội tại đã được chuẩn bị đầy đủ, Thượng tọa Thích Đức Thiện - đoàn Điện Biên cho rằng, con tàu cao tốc này như con rồng hiện thân, vươn lên để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Về nguồn lực, đại biểu cho rằng, không nên e ngại việc vay vốn nước ngoài. Các quỹ ngoại tham gia mua trái phiếu Chính phủ ngày một tăng. Chúng ta có thể sử dụng thị trường trái phiếu Chính phủ để thu hút nguồn vốn nước ngoài, tập trung cho dự án này.
Về công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải phải tập trung các chuyên gia để quyết định chọn công nghệ nào cho phù hợp, trong đó, cần đặt niềm tin vào các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp quốc gia của Việt Nam trong việc nắm bắt, nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ.
Theo đại biểu, người Việt Nam rất thông minh, trí tuệ, có thừa khả năng làm chủ công nghệ. Việc cần làm là tạo cơ chế để doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngay từ đầu vào dự án này.
Đại biểu Lò Thị Việt Hà - đoàn Tuyên Quang cho hay, việc xây dựng đường sắt cao tốc đã được phê duyệt từ 2010, nhưng vì nhiều lý do, dự án chưa triển khai được. Song đến nay việc xây dựng đường sắt cao tốc trục Bắc - Nam là hết sức cần thiết.
Dự án đường sắt cao tốc với những ưu điểm như thân thiện với môi trường, an toàn, giảm tải cho các loại hình vận tải khác, là phương thức vận tải chủ đạo trên các hành lang vận tải có khối lượng lớn của đất nước, khai thác hết tiềm năng, phát huy được vai trò, vị thế của vận tải đường sắt sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội |
Tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao hơn 67 tỷ USD, song nhiều ý kiến chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã khẳng định nguồn lực không còn là trở ngại lớn. Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định, rõ ràng, tổng vốn đầu tư dự kiến cho tuyến đường sắt tốc độ cao là rất lớn, chưa bao giờ có một dự án nào chúng ta đầu tư lớn như vậy. Tuy nhiên, khả năng thu xếp vốn không phải quá khó khăn nếu như chúng ta có chiến lược đầu tư chủ động.
Bởi nhìn vào dư địa nợ công hiện nay khoảng 37% với trần nợ công là 60% thì chúng ta thấy dư địa để huy động thông qua vay nợ công còn rất lớn. Vì nếu huy động cả 67 tỷ USD thì làm cho nợ công tăng lên khoảng 10%. Đương nhiên, ở đây chúng ta không huy động một lúc mà huy động rải ra suốt quá trình đầu tư khoảng 12-15 năm. Thêm nữa, phải tính đến những phương thức để đa dạng hóa được nguồn lực đầu tư này.
Ví dụ như nếu chúng ta thực hiện thu hút các tập đoàn, các nhà đầu tư trong nước tham gia vào quá trình đầu tư phát triển các tuyến đường sắt này thì ngay bản thân các tập đoàn, các nhà đầu tư đó cũng có thể bỏ nguồn vốn tự có của họ để đầu tư trước, sau đó sẽ ứng dần ngân sách để trang trải.
Ông Cường nhìn nhận, phải thấy rằng, một đồng vốn bỏ ra phải tính toán làm thế nào để sử dụng có hiệu quả nhất. Cùng bỏ một đồng vốn, nhưng nếu chúng ta nhập khẩu từ nước ngoài, toàn bộ lợi ích sẽ chuyển sang các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng nếu có cơ chế để các doanh nghiệp trong nước sản xuất thì nhà đầu tư trong nước sẽ được hưởng. Như vậy, chúng ta đã biết dành nguồn lợi đó cho các nhà đầu tư trong nước phát triển.
Tại hội trường Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam ngày 20/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, dự án của chúng ta đã được nghiên cứu rất dài, tính đủ thời gian là 18 năm; hồ sơ đã được Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới để hoàn thiện.
"Từ kết quả dự báo nhu cầu vận tải, tiềm lực vị thế của quốc gia cho thấy, thời điểm năm 2027 là điều kiện thích hợp để triển khai đầu tư. Đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư, các yếu tố, điều kiện để triển khai dự án" - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam |
Bên cạnh đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã trình bày sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam, các quy hoạch vùng, tỉnh liên quan, riêng quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa được phê duyệt nhưng phương án hướng tuyến, vị trí ga đều đã được 2 thành phố thống nhất tích hợp vào dự thảo quy hoạch.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, trong đó đã cập nhật dự kiến nhu cầu sử dụng đất của dự án đường sắt tốc độ cao là khoảng 10.827 hecta, các địa phương cũng đã cập nhật hướng tuyến và các công trình trên tuyến, nhu cầu quỹ đất dành cho dự án.
Trước đó, giải trình thêm về ý kiến đại biểu Quốc hội về việc triển khai các dự án đường sắt tại phiên họp tổ của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, đây là một dự án đường sắt cao tốc hiện đại, được thiết kế để vận hành với tốc độ tối đa lên đến 350 km/h. Về công năng sử dụng, tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách. Trong những trường hợp đặc biệt như phục vụ mục tiêu an ninh quốc phòng, tuyến đường có thể được sử dụng để vận chuyển hàng hóa.
Lý giải nguyên nhân điều này, Bộ trưởng cho biết, dựa trên các nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng, nhu cầu vận chuyển hàng hóa dọc theo trục Bắc - Nam trong tương lai hoàn toàn có thể được đáp ứng bằng hệ thống đường sắt hiện hữu sau khi nâng cấp, kết hợp với việc tận dụng hiệu quả hệ thống vận tải đường bộ và đường biển ven bờ. Đặc biệt, đường biển ven bờ được đánh giá là phương thức vận chuyển hàng hóa lớn, có chi phí thấp và phù hợp với đặc điểm địa lý của nước ta.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu những kinh nghiệm rút ra từ các dự án trước đó, đồng thời khẳng định, việc chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ giai đoạn đầu là yếu tố quyết định thành công của dự án.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, ba nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án đường sắt đô thị trước đây là công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và lựa chọn đối tác.
Về công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ trưởng cho biết, trong các dự án trước đây, việc chuẩn bị thường không được kỹ lưỡng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vốn và kéo dài thời gian triển khai. Với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, mọi yếu tố kỹ thuật, công nghệ, hướng tuyến... đều phải được xác định rõ ràng ngay từ đầu để đảm bảo dự án được triển khai một cách hiệu quả.
Đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ, đây là một trong những thách thức lớn nhất trong các dự án cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Quốc hội và các cơ quan liên quan, việc tách riêng dự án giải phóng mặt bằng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Về lựa chọn đối tác, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm và cam kết chuyển giao công nghệ. Việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào vốn ODA sẽ giúp Việt Nam có nhiều quyền tự chủ hơn trong lựa chọn đối tác và đàm phán các điều khoản hợp đồng.
Bộ trưởng cũng đề xuất hai phương án huy động vốn cho dự án: Vay vốn nước ngoài với lãi suất ưu đãi và phát hành trái phiếu trong nước. Tuy nhiên, việc vay vốn nước ngoài cần phải được thực hiện một cách thận trọng, đảm bảo không gây ra những ràng buộc không cần thiết và tăng thêm gánh nặng nợ công.
Về năng lực quản trị dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, sẽ có sự phân chia rõ ràng trách nhiệm giữa các đơn vị. Cụ thể, sẽ có hai doanh nghiệp tương đối độc lập, một doanh nghiệp phụ trách hạ tầng và một doanh nghiệp phụ trách khai thác. Việc phân chia này sẽ giúp tăng cường hiệu quả quản lý và vận hành dự án.
Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực. Việc đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo sẽ đảm bảo có đủ đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao để vận hành và bảo dưỡng hệ thống đường sắt cao tốc.
Về vấn đề chuyển giao công nghệ, Bộ trưởng cho rằng, việc xác định rõ đối tượng và đúng nội dung chuyển giao là vô cùng quan trọng. Thay vì tập trung vào việc chuyển giao toàn bộ công nghệ lõi, Việt Nam nên ưu tiên các công nghệ cốt lõi liên quan đến thi công xây dựng, sản xuất đầu máy toa xe và đặc biệt là bảo trì sửa chữa. Việc làm chủ được các công nghệ này sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu sự phụ thuộc vào nước ngoài, tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính bền vững của dự án.
"Việc lựa chọn các doanh nghiệp trong nước để tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ là một quyết định đúng đắn. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, góp phần phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước" - Bộ trưởng nêu rõ.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chiều 20/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông. Các đại biểu đã thảo luận về phạm vi, quy mô, phân kỳ đầu tư, lưu ý việc kết nối vùng và các phương thức, hình thức vận tải khác. Các đại biểu cũng cho ý kiến về hình thức đầu tư, hiệu quả tài chính, kinh tế - xã hội của dự án, công nghệ sử dụng, nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng đất, phương án thu hồi và tái định cư, đền bù thiệt hại, sơ bộ tổng mức đầu tư, khả năng cân đối các nguồn vốn và quan hệ với các chỉ tiêu về nợ công, bội chi, khả năng huy động các nguồn vốn và tham gia của các thành phần kinh tế. Các đại biểu cũng phát biểu về chính sách đặc thù đề nghị áp dụng cho dự án, thời gian hoàn thành dự án, tổ chức khai thác và quản lý khi dự án hoàn thành và chú ý công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nghiệm, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo để hoàn thiện các nghị quyết. |