Sức hấp dẫn của sự kiện kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững |
Có được đơn hàng nhờ đổi mới sáng tạo
Nhờ có đổi mới sáng tạo, Công ty Cổ phần Tập đoàn kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam (Intech Group) đã có những đơn hàng với đối tác Nhật Bản. Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Hoàng Hữu Thắng - Chủ tịch HĐQT Intech Group - cho biết: “Chỉ có bắt tay làm thì mới có thể chạm tay vào cơ hội và chúng tôi đã thành công khi có những đơn hàng từ đổi mới tạo, sản phẩm đạt về mặt chất lượng, thẩm mỹ từ đó khách hàng tin tưởng và cơ hội hợp tác đến từ đó”, ông Hoàng Hữu Thắng cho hay.
Tại sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024", Intech Group mang đến các giải pháp tự động hoá toàn diện cho nhà máy sản xuất, như xe tự hành AGV, hệ thống kho bán tự động lưu trữ mật độ cao… để giới thiệu cho đối tác, khách hàng |
Cũng theo ông Hoàng Hữu Thắng, đổi mới sáng tạo luôn là bài toán mà các doanh nghiệp buộc phải giải, buộc phải đầu tư. Intech Group cũng đã triển khai trong nhiều năm nay. Theo đó, năm 2020, công ty đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) để tập trung vào việc cải tiến kỹ thuật, công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tại đây, công ty chế tạo thử và chạy thử, kiểm nghiệm độ bền và tuổi thọ sản phẩm. Khách hàng cũng có thể đánh giá, kiểm tra doanh nghiệp, từ đó, tạo niềm tin cho khách hàng. Điều này không chỉ giúp công ty đi theo con đường đổi mới sáng tạo, mà còn giúp tăng niềm tin của khách hàng.
“Chúng tôi có nghiên cứu bài bản trước khi đưa sản phẩm vào sản xuất hàng loạt. Đây là lợi ích rất lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nhận thấy. Nếu chúng ta không nhận thấy, doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư, nếu không dám đầu tư thì rất khó có thể đổi mới sáng tạo”, ông Hoàng Hữu Thắng chia sẻ.
Cần những giải pháp dài hơi hơn về vốn và hạ tầng
Theo các chuyên gia, cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn trong thời gian gần đây buộc doanh nghiệp phải có các giải pháp cốt yếu về hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ để vượt qua những thách thức, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Dù vậy, với các doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới sáng tạo, họ cũng gặp không ít chông gai. Là đơn vị sản xuất, kinh doanh trong mảng vật liệu xây dựng, ông Tạ Đình Lân - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và thiết bị công nghiệp CIE1 - cho rằng, khi đưa ra các công nghệ mới, sản phẩm công nghệ cao, khó khăn nhất đó chính là thay đổi thói quen tiêu dùng.
Bởi các sản phẩm mới rất khó có thể nhìn thấy hiệu quả ngay. Khi doanh nghiệp đưa một sản phẩm mới ra thị trường, sẽ cần có thời gian chứng minh cho khách hàng những điểm lợi khi thay đổi cách làm, bên cạnh đó là các chính sách ưu đãi cho người dùng sản phẩm đấy. Việc này cần phải có một đội ngũ và nguồn tài chính tốt. Đây là việc không dễ, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Với các sản phẩm mới, nguồn vốn dùng cho nó là rất quan trọng. Ngoài ưu đãi về thuế khi đã bán được sản phẩm, thì vấn đề làm sao chúng ta làm ra được sản phẩm. Do đó, rất cần có các chính sách cho vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu hay cho doanh nghiệp sử dụng sản phẩm”, ông Tạ Đình Lân thông tin.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Hoàng Hữu Thắng chia sẻ, đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất thử nghiệm rất tốn kém, nên nhiều doanh nghiệp còn e ngại và do dự trong đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là khó khăn trong tiếp cận và hợp tác với các tập đoàn lớn, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vì thế, lãnh đạo Intech Group kiến nghị các cơ quan quản lý cần có chính sách và hỗ trợ cụ thể hơn để khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; chẳng hạn như ưu tiên phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, với chi phí mặt bằng và chính sách ưu đãi phù hợp; đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo dễ dàng tiếp cận và hợp tác với các tập đoàn lớn, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thiết bị lọc dầu cho tàu cá; màng thu hồi hơi xăng; các thiết bị như máy dò các khuyết tật ở đường ống đã được Trường Đại học Dầu khí Việt Nam quảng bá đến đối tác khách hàng tại sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024" |
Ở góc độ các trường, viện nghiên cứu, trao đổi với phóng viên Vuasanca , TS. Dương Chí Trung - Trưởng bộ môn Lọc Hóa Dầu (Trường Đại học Dầu khí Việt Nam – PVU) – cho biết, là đơn vị nhà trường, làm công tác nghiên cứu các sản phẩm để ứng dụng đưa vào thực tế, bản thân doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Từ nhà trường, từ viện, chúng tôi cũng lăn xả ra ngoài cuộc sống thực tế, kết nối với những anh chị có cùng đam mê ở những doanh nghiệp. Và cũng từ đó, nhiều sản phẩm đã được thai nghén, được hình thành từ sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đây cũng là cách để các trường, các viện có thể thương mại hóa được sản phẩm.
“Bởi nhà trường tạo ra sản phẩm không đủ, chúng tôi không thể thương mại hóa được sản phẩm, chính doanh nghiệp đi vào thực tế, hiểu được nhu cầu của người dùng, từ đó, đưa ra chiến lược marketing hợp lý, đây là cách để có thể đưa được sản phẩm đến tận người dùng”, TS. Dương Chí Trung thông tin và cho rằng, sản phẩm có thể chứa hàm lượng chất xám ở mức vừa phải nhưng quan trọng là phải thiết thực và hiệu quả kinh tế, khi đó, doanh nghiệp mới có thể dễ dàng thương mại hóa được.
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2024 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố cách đây, Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia, tăng từ vị trí 46 vào năm 2023 – tiếp tục cải thiện vị trí kể từ năm 2013.
Các chuyên gia cũng cho rằng, câu chuyện đổi mới sáng tạo nhiều khi không đem lại hiệu quả trước mắt mà mang lại hiệu quả về lâu dài cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo. Khi đó, mới nâng cao được chất lượng, công nghệ sản phẩm và quan trọng nhất là làm chủ các công nghệ lõi, từ đó mới tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.