Đối thoại chính sách Việt Nam- EU: Khẳng định minh bạch nền tài chính công
Toàn cảnh cuộc họp |
Đối thoại chính sách sẽ là hoạt động diễn ra thường niên từ nay cho đến năm 2020 - là một phần trong cam kết của Chính phủ Việt Nam về minh bạch nền tài chính công; nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện với mục tiêu cung cấp điện ổn định, tin cậy; thu hút các nhà đầu tư mới vào ngành điện, đặc biệt cho phát triển năng lượng tái tạo.
Chính phủ Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030 và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế từ các tổ chức hợp tác song phương và đa phương. Vì vậy các đống góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ tập trung vào các lĩnh vực hiệu quả năng lượng và nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, là một trong những quốc gia chịu tác đống lớn nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức năng lượng đáng kể để duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi các hỗ trợ của Liên minh châu Âu không thể trực tiếp khắc phục những thách thức này, Liên minh châu Âu cùng với các đối tác phát triển khác có thể hỗ trợ tài chính nhằm góp phần đem đến một ngành năng lượng sạch hơn và bền vững hơn.
Tham dự cuộc đối thoại, về phía Bộ Công Thương có Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Lãnh đạo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Điều tiết điện lực… và đại diện đến từ Bộ Tài chính. Về phía Phái đoàn Liên minh châu Âu có ông Bruno Angelet - Đại sứ, Trưởng đại diện và các thành viên khác.
Bộ trưởng Trần Tuấn An |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng và Đại sứ Bruno Angelet đã trao đổi về những tiến bộ đạt được, phương hướng phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam và thảo luận về những hỗ trợ bổ sung của Liên minh châu Âu cho lĩnh vực năng lượng; đối thoại về cải cách quản lý tài chính công và ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam.
Đại sứ Bruno Angelet cho biết, EU đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam hướng tới việc xây dựng một thị trường điện hiện đại, giảm khí phát thải, giúp Việt Nam chuyển đổi từ năng lượng nâu sang năng lượng xanh để Việt Nam phát triển bền vững hơn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, mục tiêu của Việt Nam là hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, tạo nền tảng cho việc phát triển bền vững, hiện đại. Do vậy, việc định hướng tương lai và bây giờ không chỉ chuyển năng lượng từ nâu sang xanh nữa mà việc phát triển xanh là xu hướng cho sự phát triển. Việt Nam sẽ tiếp tục nhiệm vụ điều chỉnh và xây dựng tổng sơ đồ năng lượng mới đến 2020 (tổng sơ đồ VIII) nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc hợp tác giữa hai bên. Để triển khai hiệu quả, Bộ sẽ phối hợp với Đại sứ và các thành viên để đến ngày 17/5 có tài liệu gửi cho nhà tài trợ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam rất muốn mở rộng hợp tác cả về phát triển năng lượng nông thôn, hải đảo thể hiện tính nhân văn và bền vững cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và mang lại lợi ích chung cho người dân, những người nghèo trong xã hội. Hiện nay, 99% dân số Việt Nam đã tiếp cận điện lưới và điện quốc gia, nhưng còn 1% do vị trí địa lý và hoàn cảnh cụ thể, vì vậy mục tiêu của Chính phủ là dành nguồn lực quốc gia và nhà tài trợ để đến 2020, toàn bộ người dân kể cả vùng núi, hải đảo đều được tiếp cận điện lưới quốc gia.
Đại sứ Bruno Angelet |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm thông tin về vấn đề hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng đấu nối các nguồn năng lượng tái tạo quốc gia. Theo Bộ trưởng, hiện tại, Việt Nam đã có chính sách trong lĩnh vực này nhưng còn vướng, cần có sự tổng kết tại các dự án thí điểm như năng lượng mặt trời. Tại một số địa phương như Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Tây Ninh, Khánh Hòa... rất tiềm năng đế phát triển nhưng vướng về đấu nối, rất cần sự hỗ trợ EU để cùng Việt Nam đầu tư năng lực đấu nối và truyền tải tại các khu vực trên.
Việt Nam luôn ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và hướng tới sử dụng năng lượng bền vững, năng lượng xanh... Trên thực tế, nhiều năm qua, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đã triển khai và mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, tuy nhiên, thời gian tới vẫn cần sự quyết liệt từ phía Chính phủ và nhận được sự hợp tác từ phía EU để tạo sự lan tỏa rộng hơn đối với nền kinh tế.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, thực tế ở Việt Nam và các nước cho thấy, dù chính sách có tích cực đến đâu mà không làm tốt công tác truyền thông thì những chính sách đó sẽ bị hạn chế. Chính vì vậy, Bộ trưởng đề nghị trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bên cần đẩy mạnh truyền thông để quá trình hợp tác nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội.
Chia sẻ tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, ngành năng lượng Việt Nam rất cần sự hỗ trợ để trong tương lai có thể phát triển một cách hiệu quả, bền vững. Thứ trưởng bày tỏ hy vọng, cùng với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Liên minh châu Âu sẽ hỗ trợ tài chính để phát triển ngành năng lượng Việt Nam ngày một xanh hơn.