Bất chấp các lệnh trừng phạt Nga vẫn ‘bơm’ khí đốt cho châu Âu Một quốc gia châu Âu tiếp tục nhận khí đốt từ Nga sau khi ‘đóng van’ với Áo |
Nhận định trên của phó giáo sư Maxim Chirkov thuộc Khoa Chính sách và Đo lường kinh tế tại Đại học Quản lý Nhà nước của Nga chia sẻ với Izvestia. Đồng thời, chuyên gia này cho rằng, nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga sẽ tiếp tục tăng.
RIA Novosti dẫn dữ liệu từ cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) trong tháng 8/2024 cho hay, trong số các nước Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Hungary và Tây Ban Nha mua khí đốt của Nga nhiều nhất - họ chiếm hơn một nửa tổng lượng nhập khẩu từ Nga. Từ tháng 1 đến tháng 8, Nga đã cung cấp lượng khí đốt trị giá 9 tỷ Euro cho EU. Khối lượng khí đốt cung cấp qua đường ống trở thành mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm 4,6 tỷ Euro và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trị giá 4,4 tỷ Euro.
Châu Âu vẫn cần khí đốt của Nga. Ảnh: RIA |
“Pháp, Hungary, Tây Ban Nha là những quốc gia hiểu rằng dưới các lệnh trừng phạt, họ cần hợp tác nhiều nhất có thể với Nga ngay hôm nay. Và để duy trì khả năng cạnh tranh, họ cần giữ giá điện và gas ở mức thấp nhất có thể cho người dân. Những nước này ít nhiều đang theo đuổi chính sách mang tính xây dựng, điều này đặc biệt đúng với Hungary”, ông Chirkov nhận định.
Chuyên gia người Nga cũng lưu ý, các quốc gia này có lợi từ tiêu thụ khí đốt của Nga vì rẻ và nguồn cung cấp đáng tin cậy. Theo ông, việc một số nước châu Âu mua khí đốt của Nga là điều hợp lý.
“Trong tổng khối lượng tiêu thụ của EU, khí đốt của Nga thông qua các quốc gia như vậy sẽ ngày càng chiếm nhiều không gian, khối lượng tiêu thụ ngày càng nhiều”, ông Chirkov nhấn mạnh.
Theo Công ty năng lượng Gazprom của Nga, lượng cung khí đốt hàng ngày tới châu Âu qua Ukraine, tuyến trung chuyển chính của khí đốt Nga tới EU, vẫn duy trì ở mức 42,4 triệu m3/ngày, tương đương khối lượng thông thường.
Trước đó, Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho OMV, công ty năng lượng lớn nhất của Áo hôm 16/11, sau khi công ty này đe dọa thu giữ một phần khí đốt của Gazprom để bù đắp cho phán quyết trọng tài mà OMV đã thắng trong một tranh chấp hợp đồng. Trước khi nguồn cung bị cắt, Áo nhận 17 triệu m3/ngày. Hiện tại, các khối lượng này đã được bán cho các khách hàng khác tại châu Âu.
Ông Aldo Spanjer, chiến lược gia cao cấp về hàng hóa tại BNP Paribas nhận định, nếu các quốc gia lo ngại về lượng khí đốt dự trữ vào mùa đông do khó khăn về nguồn cung và thời tiết thì có thể tính tới nhu cầu mua khối lượng lớn LNG vào mùa hè.
Giá khí đốt giao tháng tới tại trung tâm TTF Hà Lan, chuẩn giá khí châu Âu, đã đóng cửa ở mức 45,72 Euro mỗi megawatt/giờ vào hôm 15/11, mức cao nhất trong gần một năm.
Theo giới chuyên gia, dòng khí đốt còn lại của Gazprom tới châu Âu dự báo sẽ không kéo dài bởi đường ống từ thời Liên Xô qua Ukraine sẽ ngừng hoạt động khi hợp đồng trung chuyển hết hạn vào cuối năm nay. Ukraine đã tuyên bố không muốn gia hạn thỏa thuận này.
Nếu Ukraine đóng cửa tuyến trung chuyển khí đốt, các nguồn cung lớn của Nga sẽ chỉ tập trung vào Slovakia và Hungary, nơi nhận phần lớn khí đốt qua đường ống chủ yếu chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ.