Hiện thực hóa mục tiêu nhiệt điện LNG theo quy hoạch điện VIII: Cách nào? Chuyên gia kinh tế: Điện khí LNG - phân khúc đầy hứa hẹn Không để “đó rách ngáng chỗ” trong phát triển điện khí LNG |
Ngày 10/7 tới đây, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) sẽ tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên – sự kiện quan trọng đối với PV GAS và ngành công nghiệp khí tại Việt Nam. Một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí sạch hơn cho ngành công nghiệp năng lượng, nhất là khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh.
Đón chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam
Ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), cho biết ngày 10/7, tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp) chở gần 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang - Indonesia sẽ về đến Kho cảng LNG Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí sạch cho các ngành công nghiệp và an ninh năng lượng tại Việt Nam.
Việc nhập khẩu LNG sẽ củng cố vị thế chủ đạo của PV GAS trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang điện khí tại Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của PV GAS trong việc thực hiện các chủ trương, chiến lược quốc gia về an ninh năng lượng.
“Sự kiện này không chỉ đơn thuần phục vụ cho chiến lược sản xuất kinh doanh của PV GAS, mà còn mang nguồn năng lượng mới góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. PV GAS đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050”, lãnh đạo PV GAS nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc PV GAS, cho biết LNG là một trong những hướng phát triển chủ đạo, là động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn của PV GAS |
Vẫn theo lãnh đạo PV GAS, Tập đoàn năng lượng quốc tế Shell – một trong những nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới - đã được PV GAS lựa chọn làm nhà cung cấp cho chuyến hàng đặc biệt này. PV GAS hiện là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG (Quyết định số 01/GCNĐĐK-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 5/5/2023). Đây cũng là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp khí.
Trong thời gian tới, LNG sẽ trở thành một trong những sản phẩm chủ đạo và là động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn của PV GAS. Mục tiêu của PV GAS là trở thành nhà cung cấp LNG số 1 tại thị trường Việt Nam, bao gồm dịch vụ quản lý, kinh doanh và khai thác hạ tầng LNG.
PV GAS sẽ bám sát Quy hoạch Điện VIII vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho việc kinh doanh LNG. Trong đó, PV GAS sẽ chú trọng đầu tư trọng điểm theo khu vực: mở rộng kho LNG Thị Vải tại khu vực Đông Nam Bộ, hợp tác cùng Tập đoàn AES (Mỹ) xây dựng kho LNG Sơn Mỹ - Bình Thuận và nghiên cứu lựa chọn địa điểm để đầu tư kho LNG tại khu vực miền Bắc và Tây Nam Bộ.
“PV GAS mong muốn cùng đồng hành với các đối tác có năng lực, kinh nghiệm để triển khai các dự án, gia tăng các cơ hội trong lĩnh vực LNG tại thị trường Việt Nam và quốc tế”, Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong bày tỏ.
Triển vọng ngành công nghiệp khí theo Quy hoạch Điện VIII
Quy hoạch Điện VIII được Chính phủ thông qua mới đây đã định hướng phát triển các dự án nhà máy điện dùng nhiên liệu truyền thống chuyển sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với quy mô rất lớn từ 0% năm 2020 lên xấp xỉ 22.400 MW năm 2030, chiếm gần 14,9% tổng quy mô nguồn năm 2030.
Theo giới phân tích, Quy hoạch điện VIII là bước quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nguồn cung khí LNG và đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Đây là những chính sách định hướng chiến lược để thúc đẩy sử dụng khí LNG như một nguồn năng lượng sạch và hiệu quả.
Những chính sách này định hướng sử dụng khí LNG như một nguồn năng lượng mới và đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Điều này rất quan trọng để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống như dầu mỏ và than đá. Việc đa dạng hóa nguồn cung cấp giúp giảm rủi ro trong tình hình biến đổi khí hậu và giúp tăng cường sự ổn định năng lượng.
Kho cảng LNG Thị Vải là tổ hợp LNG đầu tiên có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam |
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, mục tiêu 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước đến năm 2030 thể hiện một cam kết mạnh mẽ để phát triển ngành công nghiệp khí LNG trong tương lai. Với mục tiêu này, triển vọng ngành công nghiệp khí LNG tại Việt Nam có thể được coi là rất “sáng”. Đầu tư và phát triển các dự án điện khí LNG sẽ tạo ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất và các công ty trong ngành này. Việc sử dụng khí LNG làm nguồn năng lượng sạch giúp giảm lượng khí thải carbon và tác động đến môi trường, đồng thời cung cấp một nguồn năng lượng linh hoạt và ổn định cho hệ thống điện lực quốc gia.
Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành công nghiệp khí LNG cũng đồng nghĩa với việc cần xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan, bao gồm các nhà máy khí LNG, hệ thống vận chuyển,và các cơ sở lưu trữ. Điều này tạo ra cơ hội để các công ty trong ngành cung cấp các dịch vụ và công nghệ liên quan đến khí LNG.
Đặc biệt, theo Quy hoạch Điện VIII, với kế hoạch xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG từ nay đến năm 2030, thì vai trò của PV GAS trong ngành công nghiệp khí LNG của Việt Nam sẽ ngày càng lớn. PV GAS sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp khí LNG và quản lý cơ sở hạ tầng liên quan đến ngành công nghiệp triển vọng này.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu này, cần có sự đầu tư và cam kết từ các nhà đầu tư, chính phủ cùng các bên liên quan khác. Các yếu tố kinh tế, chính trị và kỹ thuật, công nghệ… cũng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của ngành công nghiệp khí LNG trong thực tế.
Đốc thúc tiến độ dự án điện khí LNG
Việc phát triển điện khí LNG được coi là một giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán thiếu điện và đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định cho Việt Nam những năm tới. Bộ Công Thương đang đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khí LNG và sử dụng khí hoá lỏng LNG làm nhiên liệu cho các nhà máy điện. Vấn đề đặt ra là cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách để có thể nhanh chóng triển khai các dự án điện khí nói riêng, phát triển công nghiệp khí LNG nói riêng.
Để triển khai các dự án điện khí LNG và phát triển công nghiệp khí, việc hoàn thiện cơ chế chính sách là vô cùng quan trọng. Trong đó cần có cơ chế hỗ trợ và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào các dự án điện khí LNG; lập cơ chế quản lý và phân phối khí LNG hiệu quả; phát triển thị trường khí LNG và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán và sử dụng khí LNG; đầu tư vào đào tạo và phát triển năng lực nhân công trong lĩnh vực này… Khi chính sách, cơ chế được hoàn thiện và triển khai một cách kịp thời, hiệu quả sẽ giúp đẩy mạnh sự phát triển của công nghiệp khí và sử dụng khí hoá lỏng LNG trong cuộc sống hàng ngày tại Việt Nam.
Liên quan đến triển khai việc thực hiện Quy hoạch điện VIII, để thúc đẩy các dự án điện khí LNG nhằm phát triển các nguồn điện nền, ngày 24/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG, gồm: Bạc Liêu, Long An, Quảng Ninh, Quảng Trị, Ninh Thuận, Quảng Bình, Bình Thuận, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000 – 160.000 MW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay. Do đó, bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 là thách thức rất lớn. Bởi vừa phải tăng nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa các bon và phát triển cân đối các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.
Trên thực tế, việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức khi thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển, nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế, điện hạt nhân chưa xác định… Vì thế, phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Nguồn điện LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2…
“Việc chậm tiến độ các nguồn điện, đặc biệt chậm phát triển nguồn điện nền sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng tới an ninh năng lượng điện quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và đề nghị các địa phương tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc (nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, …) để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện với các dự án đã có chủ đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Cấn Dũng |
Đồng thời căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư và để bảo đảm an ninh năng lượng điện, cần kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư vi phạm các quy định hoặc trì hoãn không triển khai dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.
Với các dự án chưa có chủ đầu tư, cần khẩn trương rà soát, bổ sung dự án vào Quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của nhà máy, triển khai các thủ tục cấp chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án điện sử dụng LNG và các hạ tầng liên quan, phấn đấu hoàn thành trong qúy III năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ lập và trình báo cáo nghiên cứu khả thi nhà máy điện sử dụng LNG, phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2023.
“Tiến độ xây dựng, vận hành các nhà máy điện LNG có ý nghĩa quyết định tới an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030, vì vậy nếu dự án nào có nguy cơ chậm tiến độ, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy lùi tiến độ của dự án đó và đẩy sớm các dự án dự phòng hoặc tính toán các phương án khác thay thế để bảo đảm an toàn cấp điện”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Kho cảng LNG Thị Vải là tổ hợp LNG đầu tiên có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam, với công suất qua kho là 1 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1 và sẽ nâng cấp lên 3 triệu tấn LNG/năm vào giai đoạn 2. Dự án được PV GAS chú trọng đầu tư xây dựng từ những năm 2019, tiếp nhận được tàu LNG tải trọng lên đến 100.000 tấn, với bồn chứa LNG 180.000 m3 và các thiết bị công nghệ hàng đầu và tiên tiến nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và quốc tế. Công trình cũng đảm bảo vận hành an toàn theo như nghiên cứu khả năng tương thích tàu-bờ (Ship-Shore Compatibility Study). |