Hướng đến việc quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực công
Xuất phát từ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật, thực tiễn hoạt động thời gian qua cho thấy, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và Kiểm toán nhà nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan.
Kết quả kiểm toán giúp chỉ rõ thực trạng áp dụng các quy định pháp luật về quản lý tài chính công, tài sản công |
TS. Lê Minh Nam - Uỷ viên Thường trực, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Kiểm toán nhà nước đã giúp cho Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất - có đầy đủ thông tin, dữ liệu, số liệu trung thực, khách quan, tin cậy, đưa ra các đề xuất, kiến nghị có nội dung chuyên môn sâu trước khi Quốc hội xem xét bấm nút quyết định những vấn đề quan trọng về tài chính, ngân sách phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, giúp Chính phủ và các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công cải thiện công tác quản lý, hướng đến việc quản lý, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả, hiệu lực các nguồn lực công.
Ngoài ra, hai cơ quan còn phối hợp thực hiện thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.
Trong đó, thông qua hoạt động kiểm toán, nhất là hoạt động kiểm toán ngân sách được triển khai từ trung ương đến địa phương, Kiểm toán nhà nước đã cung cấp các thông tin kết quả kiểm toán giúp chỉ rõ thực trạng áp dụng các quy định pháp luật về quản lý tài chính công, tài sản công, chỉ ra những điểm nghẽn, vướng mắc, bất cập trong quản lý sử dụng nguồn lực tài chính công, tài sản công quốc gia, về chính sách tài khoá, tiền tệ, nợ công…
"Qua đó, giúp Ủy ban Tài chính, Ngân sách có thêm thông tin đưa ra ý kiến thẩm tra, cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh được phân công; góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Quốc hội trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, ngân sách" - TS. Lê Minh Nam cho hay.
Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng đề xuất, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy phạm pháp luật không phù hợp được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán để Ủy ban Tài chính, Ngân sách xem xét, giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo nhiệm vụ được giao.
Kiểm toán nhà nước cũng cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu, hồ sơ cho Ủy ban Tài chính, Ngân sách để Ủy ban thực hiện vai trò là cơ quan chủ trì thẩm tra các báo cáo do Chính phủ trình trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
Kiểm toán nhà nước còn cung cấp thông tin tài liệu và bố trí nhân sự phối hợp tham gia ý kiến thẩm tra các chính sách cơ bản về tài chính quốc gia, việc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ… khi được yêu cầu.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước gửi các báo cáo kiểm toán phục vụ hoạt động chuyên môn, hoạt động giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cho các đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội.
Cùng với việc khai thác, sử dụng thông tin báo cáo kiểm toán, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị Kiểm toán nhà nước bố trí nhân sự tham gia các hoạt động giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách; giám sát hoạt động của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và việc thực hiện chính sách tài chính, ngân sách và kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về tài chính, ngân sách.
Nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách
Theo TS. Lê Minh Nam, ngoài việc phối hợp tốt trong việc thẩm tra, giám sát về các vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách. Sự phối hợp hiệu quả giữa Ủy ban Tài chính, ngân sách và cơ quan Kiểm toán nhà nước còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán nhà nước.
Theo đó, Ủy ban Tài chính, ngân sách là cơ quan được giao chủ trì hoặc phối hợp thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước như Luật Kiểm toán nhà nước, Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước; Pháp lệnh Xử phạt hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước…
"Hai cơ quan thường xuyên trao đổi, phối hợp tổ chức các phiên họp, tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện các dự thảo luật, pháp lệnh; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua" - TS. Lê Minh Nam nói.
Trên cơ sở đó, hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Kiểm toán nhà nước trong từng giai đoạn phát triển; khẳng định vị thế, vai trò của Kiểm toán nhà nước trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cùng với đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng thực hiện giám sát chính hoạt động của Kiểm toán nhà nước theo quy định của pháp luật, yêu cầu giải trình việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, góp phần cải thiện hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán; đồng thời thực hiện giám sát và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, đơn vị được kiểm toán chấp hành nghiêm kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Trong năm 2023, lần đầu tiên Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Thông qua phiên giải trình đã làm rõ “bức tranh” về thực trạng tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thời gian qua; chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tồn đọng một lượng lớn các kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện,
Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách.
Hàng năm, Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì thẩm tra Báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác năm của Kiểm toán Nhà nước; chủ trì thẩm tra Báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước. Qua công tác thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã chia sẻ và có những kiến nghị, đề xuất để Kiểm toán nhà nước hoàn thiện thể chế và các điều kiện giúp Kiểm toán nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Đặc biệt, hai cơ quan đã phối hợp rà soát và đề xuất các chủ trương định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội đưa vào Kế hoạch kiểm toán năm, hướng đến chất lượng, hiệu quả, hiệu lực, góp phần làm minh bạch, vững bền nền tài chính quốc gia.
Thông qua việc rà soát, thẩm tra kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt hàng Kiểm toán nhà nước thực hiện các cuộc kiểm toán theo yêu cầu.