Đồng Nai đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến Chuyển đổi số: Cơ hội, thách thức và giải pháp để phát triển kinh tế số |
Tỉnh Đồng Nai đã thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh đã thu thập được 100% thông tin cư trú đối với công dân đang sinh sống ổn định trên địa bàn tỉnh và cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trên 3,1 triệu nhân khẩu). Hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu làm sạch về cư trú, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống", bảo đảm an ninh an toàn hệ thống phục vụ kết nối chia sẻ, khai thác dữ liệu dân cư để giải quyết các thủ tục hành chính. Đến nay, đang bước vào giai đoạn làm giàu dữ liệu và cập nhật dữ liệu chuyên ngành của các tổ chức đoàn, hội, học sinh, sinh viên, phục vụ phát triển các tiện ích phục vụ người dân.
Hình minh họa |
Tại Tuần lễ chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai vừa qua, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh đã tiếp tục hỗ trợ người dân trong tỉnh đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để đảm bảo công dân trở thành công dân số trên môi trường internet. Ngoài ra, sẽ giới thiệu cho người dân ứng dụng đề án 06 của Chính phủ trong việc xác thực thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Trong khi đó, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Nai đã công khai các thủ tục hành chính qua mã QR để đông đảo người dân được tiếp cận thông tin minh bạch, rõ ràng. Từ đó thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Nai chia sẻ, toàn tỉnh hiện có 1,8 ngàn thủ tục hành chính. Trong đó có 800 dịch vụ thực hiện dịch vụ công toàn tỉnh. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến cuối tháng 9-2023, đã thực hiện đồng bộ thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với hơn 2,5 triệu người trên địa bàn tỉnh, đạt tỷ lệ 94%. Trong năm 2023, ngành phấn đấu 100% người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thực hiện hiệu quả Đề án 06, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần.